Làng Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội là một trong những ngôi làng có bề dày truyền thống với nghề nón lá được truyền từ nhiều thế kỷ trước. Vĩnh Thịnh xưa có tên là làng Vĩnh Bảo thuộc tổng Cổ Điển, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng. Tại đây ngày nay còn có ngôi đình làng khá nguyên vẹn được xây dựng vào năm Bảo Thái thứ 6, tức năm 1725 thời Lê Trung hưng và được tu sửa lại vào năm Nhâm Thân đời Bảo Đại (tức năm 1932). Ngôi đình này thờ tướng quân Phạm Xạ, một người con của làng và là một trong những danh tướng có công phò giúp Lê Lợi tiêu diệt quân Minh ở thế kỷ XV.
Nhà nghiên cứu Phạm Thúy Lan, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng toàn quốc họ Phạm Việt Nam cho biết, theo Thần phả đình làng Vĩnh Thịnh còn lưu giữ đến ngày nay, Phạm Xạ vốn gốc ở làng Minh Linh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Cha ông là Phạm Quảng, một vị quan trung nghĩa của nhà Trần muốn khôi phục lại nhà Trần sau khi Hồ Quý Ly tiếm ngôi. Tuy nhiên, việc không thành, cụ Phạm Quảng dời đến làng Vĩnh Bảo xưa (nay là Vĩnh Thịnh) sinh cơ lập nghiệp. Phạm Quảng lấy một người con gái của làng, họ Nguyễn, sau đó sinh hạ được cậu bé khôi ngô tuấn tú, đặt tên là Xạ. Càng lớn, Phạm Xạ càng giỏi cung kiếm, thông hiểu binh lược, văn võ toàn tài.
Cuối năm Bính Ngọ (1426), sau trận đại thắng ở Tốt Động, Lê Lợi quyết định tiến quân từ vùng Thanh - Nghệ ra Bắc, tiêu diệt quân Minh. Trên đường tiến quân, ngày 21-11-1426 ông đến Tây Phù Liệt, huyện Thanh Đàm (Thanh Trì ngày nay) và chọn nơi đây làm tổng hành dinh. Dịp này cũng chính là cơ duyên để Phạm Xạ gặp Lê Lợi và trở thành một trong những tướng quân giỏi của ông.
Từ khi gia nhập vào đội quân của Lê Lợi. Phạm Xạ đã tham gia chỉ huy chiến đấu gần 30 trận ở nhiều chiến trường. Những trận đánh quan trọng khi Lê Lợi - Nguyễn Trãi mở chiến dịch vây thành Đông Quan đều có tướng Phạm Xạ tham dự. Ông được Lê Lợi phong chức “Thống chế tả tướng quân”, sau còn được cử giữ chức Đô đốc bộ đạo Tuyên Quang rồi Hoan Châu.
Thành Đông Quan giải phóng, đất nước thanh bình, Phạm Xạ được vua Lê Thái Tổ ban thưởng. Ông về quê gốc là làng Minh Linh, Kinh Môn, Hải Dương bái yết tổ tiên. Sau đó, ông lại được vua sai đem 5.000 quân, trong đó có 52 thanh niên làng Vĩnh Bảo đi dẹp giặc Chiêm Thành. Phá xong giặc Chiêm Thành, ông được phong “Nguyên soái Thần xạ Đại Vương”. Sau chiến thắng, trở về làng Vĩnh Thịnh mở tiệc khao quân, ông hóa ngay trong đại tiệc.
Dân làng thương tiếc tướng quân Phạm Xạ đã lập miếu thờ và tôn ông làm Thành hoàng làng. Hằng năm, vào ngày sinh 13-2 và ngày hóa 10-11, biết ơn ông, nhân dân Vĩnh Thịnh, Đại Áng long trọng tổ chức tế lễ thành kính tưởng nhớ.
Cảm phục và nhớ ơn tướng quân Phạm Xạ, tháng Tám năm Bảo Thái thứ 6 (tức năm 1725), ông Phạm Công Quế, người làng Nhị Khê và vợ đã cúng tiền ruộng để làng Vĩnh Thịnh dựng lại đình khang trang. Năm 1932, đình được dân làng tu sửa lại. Đình Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 2-10-1991, là niềm tự hào của người dân Thủ đô Hà Nội.
Hiện nay hầu như ngôi đình vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn. Đình còn giữ được nhiều cổ vật có nhiều loại hình phong phú và tư liệu chữ Hán. Bên trong có những mảng kiến trúc gỗ được chạm khắc tinh xảo.
Đình làng còn giữ được 14 đạo sắc phong, trong đó 3 bản sau cùng là vào các đời vua Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, một cuốn Thần phả, 10 bức hoành phi, 19 câu đối ca ngợi công đức của Thống chế Tả tướng quân Phạm Xạ, trong đó có câu đối:
Mưu dũng diệt gặc Minh, muôn thuở non Nam truyền tuấn kiệt
Tiếng thơm ngời dấu Thánh, nghìn thu làng cũ nhớ công ơn
Cuộc đời binh nghiệp của tướng quân Phạm Xạ tuy không dài nhưng những công trạng và giai thoại về ông vẫn được nhân dân Vĩnh Thịnh tôn kính và truyền tụng đến ngày nay.