Bạn Nguyễn Thị Thu Hiền (sinh năm 2000), trú tại thôn Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội, nắm rõ và thành thạo các quy trình làm nón. Hiền đã truyền đạt lại kiến thức, kỹ năng làm nón lá cho các bạn trẻ, thanh thiếu niên trong làng... Cô gái trẻ cho biết: Để làm ra một chiếc nón phải trải qua nhiều công đoạn phơi lá (phơi nắng và phơi ẩm), sấy lá, mở, là (ủi) lá, chọn lá, xây độn vành, chằm, cắt lá, nức vành, cắt chỉ, quang dầu… Mỗi công đoạn đều thể hiện sự kỳ công, cần mẫn và tinh tế của người làm nghề. Một người phải mất chừng 3 tiếng mới làm ra được một chiếc nón hoàn chỉnh. Nón lá Vĩnh Thịnh hiện nay chủ yếu được bán cho tiểu thương và đưa đi phân phối tại những khu chợ đầu mối trong nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Sản phẩm làng nghề này đã trở thành sản phẩm du lịch, phục vụ các đoàn khách trong nước, quốc tế đến tham quan, trải nghiệm các công đoạn làm nón. Anh Darshan (người Ấn Độ) từng đến trải nghiệm du lịch, tham quan làm nón lá tại thôn Vĩnh Thịnh, chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng với chiếc nón lá của người Việt Nam. Những ngày ở Hà Nội, tôi được trải nghiệm rất nhiều địa danh nổi tiếng, cũng như nhiều làng nghề, trong đó có làng nghề làm nón Vĩnh Thịnh và đã mua chục chiếc nón, mang về Ấn Độ. Tôi cho rằng, đây là một món quà tặng rất ấn tượng, tinh tế. Những người được tôi tặng nón lá này vui mừng, họ khen ngợi hết lời và cất giữ chiếc nón như một kỷ vật quý giá về Hà Nội, Việt Nam”. Song hành với việc bảo tồn các giá trị truyền thống, người làm nón cũng chủ động tìm hiểu thị trường, sáng tạo nhiều mẫu mã, kích thước nón lá theo nhu cầu sử dụng và thị hiếu khách hàng. Nón lá Vĩnh Thịnh không chỉ là vật dụng che mưa, che nắng mà còn mang vẻ đẹp nghệ thuật, là vật trang trí và phục vụ phát triển du lịch, ngành Công nghiệp văn hóa của Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung. Nón lá không chỉ là một sản phẩm thủ công mỹ nghệ, mà còn là niềm tự hào của người Việt Nam Đặc biệt, sản phẩm nón lá là biểu tượng vẻ đẹp duyên dáng, mộc mạc của người phụ nữ Việt, gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần; trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm thơ ca và âm nhạc, biểu hiện nét duyên dáng trong văn hóa truyền thống dân tộc. Với sự tinh tế trong cách làm và ý nghĩa văn hóa sâu sắc, nón lá không chỉ là một sản phẩm thủ công mỹ nghệ mà còn là niềm tự hào của người Việt Nam. Hiện nay, công nghệ thông tin phát triển, đại đa số người dân đều tham gia công nghệ số, với những trang bán hàng online. Từ đó đã có nhiều đơn hàng được đặt qua nền tảng số, mạng xã hội, kết hợp với mua bán truyền thống, đơn đặt hàng qua các hội chợ, triển lãm, qua khu trưng bày sản phẩm của làng, giúp cho đầu ra của nón lá Vĩnh Thịnh luôn ổn định. Thu nhập bình quân đầu người hàng năm ở Vĩnh Thịnh tăng đáng kể. Đời sống Nhân dân ngày càng phát triển. Anh Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Đoàn xã Đại Áng, huyện Thanh Trì cho hay: "Việc giữ gìn làng nghề như một phần trong định hướng, quy hoạch phát triển “Du lịch sinh thái làng nghề truyền thống - làng Khoa bảng” của xã. Theo đó, nón lá Vĩnh Thịnh, Đại Áng được giới thiệu và quảng bá trở thành một sản phẩm du lịch, tiến tới có thể vươn ra thị trường quốc tế theo đường chính ngạch. Thôn Vĩnh Thịnh được đầu tư khu trưng bày sản phẩm làng nghề, là nơi giới thiệu nón lá, các quy trình làm ra chiếc nón. Tại đây đã đón nhiều đoàn khách đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm, trải nghiệm làm nghề và mua sản phẩm. Có cả những đơn vị có nghề làm nón cũng tới giao lưu, học hỏi những kinh nghiệm của làng và trao đổi kinh nghiệm, để các làng nghề cùng phát triển". |