Đình Vĩnh Thịnh xưa có tên là đền Vĩnh Bảo, huyện Long Đàm (thời Lý), sau đổi là Thanh Đàm. Trước Cách mạng tháng Tám là thôn Vĩnh Thịnh, thuộc tổng Vĩnh Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Đông. Nay là thôn Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Đình thờ một vị đại vương ; tên là Phạm Xạ, người có công bảo vệ kinh đô đất nước dưới thời Lê. Thần tích cho biết Phạm Xạ là tướng đã chém được Liễu Thăng ở ải Chi Lăng, Lạng Sơn. Khi vua Lê Lợi khen thưởng công thần, ông được phong làm “Thống chế tả quân”. Sau được cử giữ chức Đô đốc bộ đạo Tuyên Quang rồi Hoan châu (Nghệ An). Ông cũng có công đánh giặc Chăm Pa, được phong “Nguyên soái thần xạ đại vương”.
Đình Vĩnh Thịnh còn lưu giữ được khối lượng lớn di vật, phong phú về loại hình, đa dạng tài liệu, là những cứ liệu giá trị, tài sản quý. Đình là công trình cổ và đẹp có giá trị kiến trúc, mỹ thuật cao. Di vật gỗ được chạm khắc tinh xảo, nhiều hiện vật quý như mười bức hoành, một bộ kiệu bành sơn son thếp vàng, y môn, cửa võng, long ngai, cuốn thư, đỉnh đồng, bát bửu...
Lễ hội làng Vĩnh Thịnh vào các ngày 3 tháng ba âm lịch, ngày 12 tháng năm âm lịch, ngày 12 tháng năm âm lịch là chính hội.
Lễ hội Vĩnh Thịnh nhằm tưởng nhớ công đức Phạm Xạ tướng quân và thánh Mẫu Liễu Hạnh. Trong lễ hội có rước kiệu Thánh, tế lễ dâng hương, có rước “lợn thờ”, các trò vui múa sư tử, múa rồng, cờ bỏi, vật...
Đình Vĩnh Thịnh đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1991./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02