Mô tả khái quát:
Trên cổng có chữ Thiên Vệ Hanh, cổng nhìn về hướng khác không đi qua làng Đại Áng nữa. Tại cổng vẫn có chữ tên làng và đôi câu đối cổ. Đây là nơi có nhiều vị đại khoa đã thành danh. Cổng Nguyệt Áng nay có đôi câu đối:
Trực đạo nhi hành, địa tiếp Thanh Oai nhất bách lý
Đắc môn nhi nhập, danh truyền Nguyệt Áng vạn niên hương.
Nghĩa là:
Thẳng đường mà đi, một trăm dặm đến đất Thanh Oai
Cổng đẹp mà vào, ngàn vạn năm danh truyền Nguyệt Áng.
Tín ngưỡng - lễ hội hàng năm:
Làng Nguyệt Áng thờ Công Ba đại vương là Thành hoàng. Ngài là con của Lạc Long quân, theo cha lên núi, nhưng ngài đã không về Nghĩa Lĩnh mà chu du thiên hạ xem ngắm sơn hà. Khi đến trang Nguyệt Đảm, nhận thấy thế đất đắc địa đúng là địa linh tú khí bèn triệu tập dân về ở, cho tiền vàng để dân lập nơi thờ cúng, cho thêm ruộng để cày cấy. Dân trang nhờ đó mà no đủ yên lành. Ngày 12 tháng hai năm Bính Ngọ, Công Ba đến dự lễ tại làng và đã hoá thần. Dân làng tôn ông làm Thành hoàng, thờ ở đình và hàng năm làm lễ hội vào ngày 12 tháng hai (ngày hoá) và ngày 12 tháng năm (ngày sinh) âm lịch. Các triều vua sau đều có sắc phong ông là Công Ba đại vương.
Các tư liệu văn hoá dân gian:
Làng khoa bảng Nguyệt Áng chỉ nở rộ từ năm 1656, cho đến năm 1835 có tới 11 vị đại khoa, trong đó có 5 người đỗ vào năm Mùi là các ông Nguyễn Danh Thọ (Tân Mùi 1631), Nguyễn Đình Quý (Ất Mùi 1715), Lê Xuân Lương (Đinh Mùi 1787), Lưu Đình (Ất Mùi 1775), Lưu Quý (Ất Mùi 1835).
Ở vùng này còn lưu truyền câu chuyện “trạng nguyên mượn” kể về ông trạng nguyên Nguyễn Quốc Trinh. Chuyện rằng ở Nguyệt Áng xưa có nhà người đàn bà goá, bà có hai con trai rất ham học, có hiếu, có chí, nhưng thi hoài không đỗ. Có một ông thầy địa lý khi đi xem thế đất quanh vùng, thấy có nơi phát được, mới thương tình bảo Nguyễn Quốc Trinh đem hài cốt thân phụ táng vào đó.
Nhưng cứ táng vào, mạch đất lại đẩy lên không chịu để yên, ông ta liền xem lại thì ra mảnh đất đã có chủ, mà chủ của nó chỉ là một người hàng thịt bên làng Đình Bảng. Ông thầy liền bày cho Quốc Trinh sang Đình Bảng cố gắng làm quen với người bán thịt và mua được mảnh đất thì táng mộ cha mới được. Quốc Trinh đã tìm được người bán thịt, chuyện trò lân la hỏi mua đất, anh hàng thịt nghĩ mình ở nơi xa chẳng có thì giờ chăm sóc, thế là đã bán đất, viết văn tự trình quan cẩn thận. Có được văn tự, Quốc Trinh mang về Thanh Trì, tổ chức cúng thần đất, thưa rõ đất này đã về họ Nguyễn nên đã táng được hài cốt cha vào đó.
Quả nhiên sau này, ngày khoa thi đầu, Quốc Trinh đã đỗ Trạng nguyên, vinh dự cho gia đình. Ông đã làm đến Ngự sử, được nhà Chúa yêu mến, cho dạy thế tử. Ông cũng đã làm trưởng đoàn sứ bộ sang nhà Thanh. Làng Nguyệt Áng còn là nơi sinh của ông Lưu Nguyên Ôn, là chồng bà Huyện Thanh Quan. Bà tên thật là Nguyễn Thị Hinh, khi theo chồng về huyện Thanh Quan (Thái Bình) người đời thường gọi là bà Huyện Thanh Quan mà không gọi tên thật của bà. Bà có 8 bài cổ thi nổi tiếng với Thăng Long./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01