Đầu những năm 2000 được xem là giai đoạn cực thịnh của làng nghề làm nón thôn Vĩnh Thịnh. Sản phẩm nón lá của làng ngày đó chủ yếu bán cho thương lái Trung Quốc. Mỗi tháng có hàng triệu chiếc nón được xuất khẩu. Kinh tế của nhiều hộ gia đình trong làng phất lên trong thời gian này.
Theo ông Nguyễn Bá Tịch, Phó Trưởng thôn Vĩnh Thịnh, nghề đan nón nơi đây được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Các cụ cao niên trong làng cũng không nhớ chính xác làng nghề có từ khi nào. Chỉ biết rằng từ nhỏ các cụ đã được chính bố mẹ truyền dạy cho nghề làm nón.
Hiện nay, nón lá Vĩnh Thịnh chủ yếu được bán cho tiểu thương đưa đi phân phối tại những khu chợ đầu mối trong nước và xuất khẩu sang nước ngoài.
Mọi công đoạn để làm ra chiếc nón lá tại làng vẫn được làm hoàn toàn thủ công. Trước tiên là công đoạn chọn nguyên liệu làm nón lá, gồm lá cọ và giang, nứa. Những cây giang, cây nứa sau khi được chọn lọc kỹ, sẽ mang đi ngâm tại các ao làng trong một tháng trước khi mang đi chẻ, lá cọ cũng được luộc, phơi nắng và là phẳng. Bởi vậy, những chiếc nón làm ra sẽ tránh được mối mọt.
Lá cọ sau khi được chọn lọc kỹ, sẽ mang đi luộc và phơi khô.
Sau đó lá được làm sạch...
...và là phẳng.
Các thanh giang, nứa được cuốn tròn để làm khung nón.
Sau đó lá được cắt cho vừa với độ dài của nón để tiến hành khâu.
Các động tác như khâu, quay (xếp lá nón) được các người thợ làm một cách thuần thục.
Công đoạn nét cạp (khâu cạp nón).
Những người phụ nữ đang thực hiện công đoạn hoàn thiện chiếc nón lá Vĩnh Thịnh.
Nón lá thành phẩm sẽ được thu mua và vận chuyển về kho tập kết.
|
Mặc dù không quá cầu kỳ và tinh xảo, tuy nhiên, để tạo ra một chiếc nón vẫn cần rất nhiều công đoạn. Thông thường, các công đoạn làm nón được phân chia rất rõ ràng cho từng thành phần lao động trong gia đình. Trẻ nhỏ và người già sẽ bóc lá, người tuổi trung niên chẻ giang, nứa quấn vòng. Còn phụ nữ là những người khéo tay hơn, đồng thời cũng là lao động chính làm ra chiếc nón có nhiệm vụ hoàn thiện khâu quan trọng cuối cùng của chiếc nón đó là lợp và khâu nón.
Nghề truyền thống được lưu truyền bao đời, nên người dân trong xã đã có “tay nghề” làm nón khá chuyên nghiệp. Những sản phẩm nón của người dân thôn Vĩnh Thịnh làm ra được nhiều khách hàng đánh giá cao về mẫu mã và chất lượng. Trong đó đặc biệt là các dòng sản phẩm nón nghệ thuật được thêu hoa, hay những chiếc nón nghệ thuật trang trí, bộ nón 5 chiếc với đường kính từ 10 - 40cm được khách du lịch rất ưa chuộng.
Năm 2020, các hộ sản xuất trong làng đã thống nhất thành lập Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp sản xuất và thương mại dịch vụ Nón lá Vĩnh Thịnh-Đại Áng, theo Đề án bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề của Thành phố Hà Nội.
Theo thống kê, thôn Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng hiện có 984 hộ, trong đó có 594 hộ với 1.198 người tham gia nghề làm nón, chiếm 65% tổng số hộ dân trong làng. Trung bình một ngày, một người có thể làm được từ 2 - 4 chiếc nón mỏng, 1 - 1,5 chiếc nón dày. Thu nhập trung bình đạt 5,44 triệu/người/tháng.
Chiếc nón lá Vĩnh Thịnh có mặt trên sân khấu Liên hoan văn hóa dân gian trong đời sống đương đại Hà Nội 2020.
Sản phẩm nón lá Vĩnh Thịnh có mặt tại các Hội chợ và Triển lãm trên toàn quốc.
Du khách nước ngoài lựa chọn các sản phẩm của nón lá Vĩnh Thịnh.
Gian hàng Nón lá Vĩnh Thịnh góp mặt tại không gian văn hóa dân gian trong đời sống đương đại Hà Nội 2020.
|
Đặc biệt, hiện nay thôn Vĩnh Thịnh vẫn duy trì được chợ nón, đã có từ cách đây gần trăm năm. Đây là đặc trưng hiếm có của các làng nghề truyền thống. Phiên chợ nón được họp vào các ngày có số đuôi là 2,4,6,9 (âm lịch) trong tháng. Đây là nơi trao đổi, mua bán các sản phẩm nón lá giữa các hộ trong xã với các tiểu thương trong và ngoài xã, sau đó mang đi các chợ đầu mối trên khắp cả nước hoặc xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Đại Áng, xã đã đưa việc giữ gìn làng nghề như một phần trong định hướng, quy hoạch phát triển “Làng du lịch sinh thái - khoa bảng” trong những năm tới. Theo đó, nón lá Đại Áng sẽ được giới thiệu và quảng bá để trở thành một “sản phẩm du lịch”, tiến tới có thể vươn ra nước ngoài theo đường tiểu ngạch và chính ngạch như một số mặt hàng truyền thống ở các địa phương khác./.