BÙI XUÂN ĐÍNH
Viện Dân tộc học
Làng Nguyệt Áng trước Cách mạng tháng 8-1945 cũng là xã Nguyệt Áng, tổng Vĩnh Ninh, huyện Thanh Trì tỉnh Hà Đông; nay thuộc xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Đây là một làng cổ, nằm ven sông Nhuệ. Tháng 12-1993, tại khoảng đất nằm giữa đình và văn chỉ ở đầu làng, trong khi đào hố vôi, nhân dân phát hiện được một ngôi mộ cổ và một bộ tùy táng. Đó là một bộ vũ khí bằng đồng phong phú và quý giá được đặt trong mộ thuyền, có niên đại cách đây khoảng 2400 năm. Qua nghiên cứu bộ tùy táng, các nhà khảo cổ học xác định chủ nhân của ngôi mộ là một chiến binh thuộc tầng lớp trên của xã hội đương thời.
Nguyệt Áng từ xưa nổi tiếng là làng khoa bảng với 11 Tiến sĩ, hơn 30 Hương cống, Cử nhân. Nhiều người là nhân tài, có nhiều đóng góp cho triều chính và cho đất nước, được sử sách ghi nhận.
Tại làng hiện còn một số di tích chứa đựng nhiều tài liệu Hán Nôm phản ánh những nét cơ bản của một làng cổ xưa và khoa bảng.
I. Đình
Nằm trên doi đất cao ở đầu làng, hướng Tây Nam, đình có cấu trúc chữ “công”. Tòa đại đình gồm 5 gian. Trong hậu cung hiện còn một số di vật, văn bản Hán Nôm sau:
1. Viết Kinh Dương Vương triều trị lược phụng lục.
Đây thực chất là bản thần phả của làng được viết trên một tờ giấy điệp, bằng khổ một tờ sắc phong. Văn bản được sao lại vào ngày 1 tháng 3 năm Thành Thái 13 (1901) trên cơ sở bản gốc được soạn ngày 16 tháng giêng năm Lý Cao Tông thứ 35 (1209) (?). Văn bản gồm 29 dòng, đa số các dòng đều có 24 chữ. Nội dung nói về sự tích được thờ vị thần ở đình. Ông là em thứ ba của vua Hùng nên gọi là Công Ba.
Khi Lạc Long Quân và Âu Cơ thỏa thuận chia tay nhau, dẫn đoàn con, người lên rừng, người xuống biển, người con trai thứ ba là Công Ba đã về trang Nguyệt Đảm chiêu dân lập ấp, sau này là làng Nguyệt Áng. Ông cho dân làng 100 quan tiền để dựng đình, cho dân làng ruộng để làm hương hỏa. Sau khi Công Ba mất, dân làng tôn ông làm thành hoàng. Các triều vua phong kiến đều phong ông là “Công Ba đại vương”. Cuối văn bản có ghi sự lệ thờ cúng thần vào các dịp 10 tháng Giêng: 12-2; 15-5.
2.15 bản sắc phong của các triều vua phong cho Công Ba đại vương gồm:
- 1 đạo năm Chính Hòa 4 (1683)
- 1 đạo năm Vĩnh Khánh 2 (1731)
- 1 đạo năm Vĩnh Thịnh 6 (1710)
- 4 đạo đời Cảnh Hưng (các năm 1740, 1767 và 1783: 2 đạo)
- 1 đạo năm Cảnh Thịnh 4 (1796)
- 1 đạo năm Bảo Hưng 2 (1802)
- 1 đạo năm Chiêu Thống nguyên niên (1787)
- 2 đạo đời Tự Đức (các năm 1853m 1880)
- 3 đạo còn lại vào các đời Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định.
3. Ngoài bản thần phả viết trên “giấy sắc phong” nêu trên, trong đình còn một bản thần phả cũng có nội dung tương tự viết trên giấy bản khổ 30-14,5cm, có 4 tờ, trong đó chỉ có 2 tờ có chữ. Mỗi trang có 8 dòng với bình quân 30 chữ. Văn bản không ghi rõ thời điểm sao lại.
Ngoài ra, trong đình còn một văn bản có tựa đề “Bản xã phụng sự tế khí đẳng”, chép ngày 11 tháng 5 năm Mậu Dần (có lẽ là năm 1938), gồm 7 tờ (14 trang) khổ 23 x 15cm, mỗi trang 6 dòng x 22 chữ, nội dung liệt kê các đồ tế khí trong đình giao cho các giáo giữ.
4. Các hoành phi, câu đối, đại tự: gồm 1 bức cuốn thư, 4 bức đại tự, 3 đôi câu đối sơn son thếp vàng, nội dung ca ngợi công đức thành hoàng và sự thịnh vượng về mạt khoa bảng của làng.
Các tài liệu Hán Nôm về vị thành hoàng Công Ba đại vương góp phần tư liệu khẳng định quá trình khai hoang lập làng của các lớp cư dân Việt cổ từ thuở các vua Hùng dựng nước. Điều thu hút đối với giới nghiên cứu là vị thành hoàng này có mối liên quan gì với chủ nhân của ngôi mộ thuyền có niên đại cách ngày nay 2400 năm vừa nêu trên?
II. Chùa:
Làng Nguyệt Áng hiện còn một ngôi chùa mang tên Thanh Bảo tự. Chưa rõ chùa được xây dựng từ bao giờ nhưng đến năm Bảo Đại thứ 8 (1933) thì được sửa lại. Hiện còn hai tấm bia ghi về việc này, một tấm có tiêu đề “Thanh Bảo phụng hậu kỷ niệm bi lục” (đề ngày 8-8) và một tấm có tiêu đề “Cúng điền bi ký”.
III. Văn chỉ Nguyệt Áng
Văn chỉ ở ngay đầu làng và sát đình. Văn bia của văn chỉ đã được tác giả Nguyễn Thị Trang giới thiệu trên Tạp chí Hán Nôm số 1, 1991. Tuy nhiên, có lẽ do tác giả chỉ nghiên cứu số văn bia này trên thác bản, nên đã có sự nhầm lẫn đáng tiếc khi cho rằng, tại văn chỉ có tới 6 tấm bia. Sự thực chỉ có 2 tấm bia trụ vuông bằng đá hoa xinh đẹp, được đặt trong hai nhà bia. Vì vậy ở đây xin giới thiệu lại hai khối bia đó.
Bia có 4 mặt chữ, cụ thể như sau:
a. Mặt 1: Từ vũ bi ký có 17 dòng chữ với đa số các dòng có 24 chữ. Nội dung nói về việc quan Bồi tụng, Hữu thị lang bộ Hình Nguyễn Quốc Khôi cùng em trai là Nguyễn Đình Trụ và Hội Tưu văn dựng từ vũ và khắc bia để làm nơi thờ các vị tiên hiền ở bản xã, biểu thị sự trọng thị với đạo Nho để xã nối đời có người tài. Cuối bài văn bia có bài minh ca ngợi truyền thống học hành khoa bảng của dòng họ Nguyễn.
b. Mặt 2: Đăng khoa thực lục có 10 dòng, bình quân 15 chữ nói về hai vị khoa bảng là Nguyễn Danh Thọ, Tiến sĩ khoa Tân Mùi niên hiệu Đức Long (1631) khi 29 tuổi; giữ các chức vụ: Kinh Bắc, Nghệ An đạo Giám sát ngự sử, thăng Đề hình, Bồi tụng, Hồng lô tự khanh, tước Điền Lộc tử, tặng Công bộ Hữu thị lang. Người thứ 2 là Nguyễn Đình Trụ, Tiến sĩ khoa thi Bính Thân niên hiệu Thịnh Đức (1656) giữ chức Hàn lâm viện Hiệu thảo, tước Đê Đường Nam.
c. Mặt 3 Khôi nguyên huân nghiệp có 12 dòng, bình quân 15 chữ, ghi về tiểu sử Nguyễn Quốc Trinh, đỗ Trạng nguyên khoa thi Kỷ Hợi niên hiệu Vĩnh Thọ (1659). Ông là anh ruột Nguyễn Đình Trụ, lần lượt giữ các chức Huấn đạo phủ Khoái Châu, Hàn lâm viện Thị thư, Hữu thị lang bộ Hình, Bồi tụng, thăng Đặc tiến vinh lộc đại phu, Tả thị lang bộ Lễ, Tả thị lang bộ Hộ, bộ Lại, Nhập thị Kinh diên, Bồi tụng, tước Liên Trì tử. Năm 43 tuổi, (1667) ông phụng mệnh đi sứ. Ông mất khi gặp nạn trong cuộc biến năm Giáp Dần (1674), được tặng Binh bộ Thượng thư, tước Trì Quận Công.
d. Mặt 4: Khánh Diên văn học gồm 11 dòng, mỗi dòng 15 chữ. Nội dung nói về tiểu sử Nguyễn Đình Bách, đỗ Tiến sĩ khoa thi Quý Hợi niên hiệu Chính Hòa 14 (1683), làm quan đến Tự khanh, Cẩn dự lang bộ Lễ, Đô cấp sự trung. Ông là con Nguyễn Đình Trụ, anh Nguyễn Đình Úc. Tiếp đó nói về tiểu sử Nguyễn Xuân Đài - Tiến sĩ khoa thi Đinh Sửu niên hiệu Chính Hòa (1697), chức quan: Bố chính Nghệ An, Phó đốc thị châu Bố Chánh, Hồng lô tự khanh, tặng Thị lang.
2. Bia đề ngày 4 tháng 2 năm Bính Tý niên hiệu Tự Đức (1876).
Bia cũng có 4 mặt:
a. Mặt 1 Hưng công bi ký có 19 dòng, mỗi dòng 28 chữ, có bài văn của Nguyễn Đình Xuân ca ngợi cảnh đẹp làng, ca ngợi các bậc danh nhân, công lao của những người lập ra văn chỉ và lý do tu sửa lại.
b. Mặt 2: Đại khoa bi ký có 1 dòng x 25 chữ, chữ khắc đẹp, ghi lại lai lịch 6 vị đại khoa:
- Nguyễn Đình Ý - Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ tam danh khoa thi Canh Thìn niên hiệu Chính Hòa (1700).
- Nguyễn Đình Quý - Tiến sĩ khoa thi Ất Mùi niên hiệu Vĩnh Thịnh (1715)
- Lưu Tiệp - Tiến sĩ khoa thi Nhâm Thìn niên hiệu Cảnh Hưng (1772).
- Lưu Định - Tiến sĩ khoa thi Đinh Mùi niên hiệu Cảnh Hưng (1775)
- Lê Xuân Kinh - Tiến sĩ khoa thi Ất Mùi niên hiệu Chiêu Thống (1787).
- Lưu Quý - Tiến sĩ khoa thi Ất Mùi niên hiệu Minh Mệnh (1835)
c. Mặt 3: Trung khoa bi ký gồm 13 dòng x 36 chữ, ghi lại lai lịch 33 vị Hương cống, Cử nhân của hai họ Nguyễn và Lưu, 11 người đỗ tiểu khoa. Đáng lưu ý có ông Lưu Nguyễn Ôn đỗ Cử nhân thời Minh Mệnh, là chồng của bà huyện Thanh Quan.
d. Mặt 4: Công đức bi ký gồm 16 dòng x 26 chữ ghi tên những người công đức để tu sửa văn chỉ gồm 3 loại: 16 người là quan chức, 11 vị là quan chức và là rể làng, 6 vị là sĩ nhân, thầy thuốc, các xã huyện bên cạnh.
Văn bia ở văn chỉ góp thêm tư liệu quý để nghiên cứu khoa bảng Nguyệt Áng.
IV. Từ đường họ Lưu (Mão kim từ đường)
Tại từ đường họ Lưu có tên là Mão kim từ đường - một trong hai họ có nhiều người khoa bảng của làng có một tấm bia có tự đề Lưu tộc bi ký được lập ngày 15 tháng 2 năm Bảo Đại 13 (1938). Bia gồm 2 mặt:
Mặt trước gồm 22 dòng x 31 chữ, được viết trong các ô kẻ vuông, khá rõ và đẹp. Nội dung nói về lai lịch họ Lưu từ Trung Quốc đến lập cư tại làng Nguyệt Áng từ thời Lê Gia Thái (1573-1577), sự thành đạt của dòng họ với 3 Tiến sĩ (Lưu Tiệp – 1715; Lưu Đinh – 1772; Lưu Quỹ - 1835) cùng nhiều Hương cống, Cử nhân.
Mặt sau gồm 20 dòng x 31 chữ, liệt kê những người trong họ góp tiền dựng nhà thờ (từ năm Bảo Đại 1 – 1926) và góp ruộng để thờ tổ.
Ngoài các tài liệu ở các di tích trên, tại nhà cụ Nguyễn Danh Trung (sinh năm 1930), Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Đại Áng hiện còn một cuốn sách chép tay có tựa đề: Nghĩa tiết hậu húy tế văn phổ bản soạn năm Bảo Đại 19 (1944). Sách viết trên giấy bản đen, khổ 28 x 15, gồm 23 tờ (46 trang). Sách có nội dung tương đối tổng hợp, có thể chia thành các phần sau:
- Từ trang 3 – 8: Nghi thức tế lễ ở đình.
- Trang 9 – 16: liệt kê các vị Hậu thần được thờ tế tại Sổ hội đồng của xã (25 vị thống ke theo từng tháng).
- Trang 17: Liệt kê các vị Hậu thần được thờ tế tại từ đường Lưu tiến sĩ, gồm 4 vị.
- Trang 18-20: Các vị Hậu thần được thờ tế tại chùa của làng: 6 vị.
- Trang 21: Văn tế các Hậu quan.
- Trang 20: Văn tế Thành hoang, văn tế thượng điền hạ điền.
- Trang 28-31: Văn tế tiên hiền tại các kỳ xuân thu tế.
- Trang 32-36: Văn tế tiên lão, tống cựu nghinh tân.
- Trang 37-46: Liệt kê các đồ tế khí của đình giao cho 4 giáp trong làng bảo quản (từ trang 40-41 trở đi có dấu Tiên chỉ đóng giáp lai, trang 46 có chữ ký và dấu Tiên chỉ).
Nhận xét:
1. Không kể các tài liệu Hán Nôm còn lưu ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, tại làng Nguyệt Áng hiện còn một nguồn tài liệu Hán Nôm khá phong phú về chủng loại, chất liệu.
2. Các tài liệu Hán Nôm này là nguồn tư liệu quý để nghiên cứu làng Nguyệt Áng trên nhiều khía cạnh: lịch sử hình thành và phát triển của làng, cơ cấu tổ chức, việc thờ cúng, nhất là truyền thống hiếu học và khoa bảng của làng…
Thông báo Hán Nôm học 1997 (tr.98-105)