Làng Nguyệt Áng, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội, là nơi có truyền thống hiếu học, sản sinh ra nhiều nhân tài có công lớn với đất nước. Cùng với làng Tả Thanh Oai, làng Nguyệt Áng là ngôi làng khoa bảng thứ 2 ở huyện Thanh Trì.
Cổng vào cụm di tích lịch sử (văn chỉ, đình, chùa) làng Nguyệt Áng
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Triều đình phong kiến Việt Nam trước đây quy định làng nào có 10 người trở lên đỗ Tiến sĩ thì đạt danh hiệu làng khoa bảng. Làng Nguyệt Áng được công nhận là làng khoa bảng vì có 11 Tiến sĩ, trong đó có 1 Trạng nguyên. Ngoài ra, làng Nguyệt Áng còn có 30 Hương cống, Cử nhân.
Trạng nguyên là người có học vị cao nhất trong nền giáo dục Nho học của nhà nước phong kiến Việt Nam, là người đỗ cao nhất trong các khoa thi thời phong kiến ở Việt Nam. Hương cống là một loại học vị trong hệ thống khoa bảng Việt Nam thời phong kiến, là khoa thi được tổ chức 3 năm một lần, nhiều tỉnh thi chung. Đến thời nhà Nguyễn (1802 - 1945) không gọi là thi Hương cống mà là thi Cử nhân, tức là người đỗ Cử nhân cũng tương đương người đỗ thi Hương cống.
Chùa Bụt Mọc (Kim Hoa Tự) ở làng Nguyệt Áng
|
Nguyệt Áng không phải là làng của người đỗ đạt sớm nhưng có nhiều người thi đỗ Tiến sĩ, tập trung trong khoảng thế kỷ XVII-XVIII. Đặc biệt có 1 Trạng nguyên là Nguyễn Quốc Trinh. Do làng Nguyệt Áng có tên Nôm là làng Nguyệt nên dân gian gọi Nguyễn Quốc Trinh là Trạng Nguyệt (ông trạng làng Nguyệt). Ông Nguyễn Đình Kiểm, hậu duệ đời thứ 11 của Trạng nguyên Nguyễn Quốc Trinh, kể: “Theo các cụ kể lại Trạng nguyên Nguyễn Quốc Trinh là người học giỏi, thông minh, nhà bố mẹ mất sớm, nhà nghèo không được đi học. Mãi tới năm 17 tuổi Nguyễn Quốc Trinh được chị gái cho đi học. Nguyễn Quốc Trinh đỗ Trạng nguyên năm 1659 thời Lê. Lúc đương thời cụ được triều đình phong giữ chức Bồi tụng tức như là như chức Phó Thủ tướng bây giờ. Sau khi Trạng nguyên Nguyễn Quốc Trinh mất, để tưởng nhớ công lao Trạng nguyên, Vua truy tặng ông danh hiệu Thượng đẳng phúc thần, tức là người có công lớn với triều đình và đất nước”.
Đình làng Nguyệt Áng
|
Công lao đáng kể với đất nước của Trạng nguyên Nguyễn Quốc Trinh phải kể đến là việc ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Triều đình cử đi sứ Trung Quốc. Tài năng đối đáp, ứng xử của Trạng nguyên Nguyễn Quốc Trinh khiến triều đình Trung Quốc ngạc nhiên, khâm phục. Vua Trung Quốc còn phong ông chức Lưỡng quốc danh thần. Trí thông minh của Trạng nguyên Nguyễn Quốc Trinh được dân gian, sử sách ghi lại. Ông Nguyễn Đình Kiểm cho biết: "Một hôm thử tài trò, thày đồ dạy Nguyễn Quốc Trinh ra câu đối là bất học, hiếu du, vi tỉ giáo có nghĩa là ham chơi, chẳng học, quên lời chị. Nguyễn Quốc Trinh đối lại ngay là đăng khoa cập đệ trọng danh sư có nghĩa là khi đỗ khoa cao thày tự hào với trò của mình”.
Ông Nguyễn Đình Kiểm bên nhà thờ Trạng nguyên Nguyễn Quốc Trinh
|
Nguyệt Áng là vùng quê chiêm trũng, sản xuất nông nghiệp khó khăn. Chính sự nghèo khó đã hun đúc người dân có chí hướng vươn lên bằng con đường tri thức. Người dân làng chăm chỉ học hành, mong muốn đỗ đạt thành danh để thay đổi thân phận mình.
Trong số các dòng họ ở làng Nguyệt Áng nổi bật hơn cả là dòng họ Nguyễn. Cụ Nguyễn Danh Truy, bậc cao niên ở làng Nguyệt Áng, kể: “Làng có ông Nguyễn Danh Thọ là người khai khoa đầu tiên, đỗ Tiến sĩ năm 1631. Ông Nguyễn Danh Thọ cũng giữ chức Bồi tụng, tương đương chức Phó Thủ tướng ngày nay. 5 người khác đỗ Tiến sĩ Nguyễn Đình Trụ, Nguyễn Quốc Trinh, Nguyễn Đình Bách, Nguyễn Như Ý, Nguyễn Đình Quý. Cụ Nguyễn Đình Trụ đỗ đầu năm 1659 nhưng năm đó vua Lê không phong danh hiệu Trạng Nguyên chứ không thì cụ Nguyễn Đình Trụ cũng phải là Trạng nguyên”.
Dân làng Nguyệt Áng hôm nay tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học ông cha. Dù chỉ là ngôi làng nhỏ bé, khoảng 300 hộ dân, dân số chưa đầy 1000 người, nhưng làng đã có 1 Phó Giáo sư, 5 tiến sĩ, 20 thạc sĩ, khoảng 100 cử nhân, kỹ sư. Các thế hệ của làng Nguyệt Áng luôn có ý thức vươn lên, chinh phục đỉnh cao tri thức và làm rạng danh làng khoa bảng nổi tiếng kinh thành Thăng Long năm xưa.