Làng Nguyệt Áng hiện còn ngôi đình ở đầu làng, hướng tây nam. Theo các bô lão trong làng thì lúc đầu đình hướng bắc, quay về phía làng Vĩnh Trung. Vào thời Lê, niên hiệu Đức Long (1629 - 1634), đình được sửa lại, đến niên hiệu Vĩnh Thọ (1658 - 1661), sau khi đỗ tiến sĩ, Nguyễn Đình Trụ đã đứng ra vận động dân làng dựng lại đình, thay đình lợp tranh bằng đình lợp ngói, đổi hướng tây bắc, nhìn về làng Siêu Quần. Hướng đình cũng như quy mô kiến trúc hiện nay được bảo lưu từ sau lần sửa gần đây nhất vào tháng 4 năm Canh Tý niên hiệu Thành Thái (1900) mà người đứng ra hưng công là tiến sĩ Nguyễn Trọng Hợp - Thái tử Thái Bảo, Văn minh điện Đại học sĩ, người làng Kim Lũ (xã Đại Kim) là con rể tiến sĩ Lưu Quỹ. Tấm bia dựng vào dịp lập Thu năm Canh Tý (1900) hiện còn lưu ở đình cho biết điều đó. Đình có kiến trúc kiểu chữ “công”, gồm Tiền đường 5 gian nối với Hậu cung bằng toà Ống muống.
Đình làng Nguyệt Áng thờ vị thần duy nhất là Công Ba Đại Vương. Theo bản thần phả “Viết Kinh Dương Vương triều trị lược phụ lục” soạn ngày 16 tháng giêng năm thứ 35 đời vua Lý Cao Tông - 1210 (?), sao lại vào ngày 1 tháng ba năm Thành Thái thứ 13 (1901) hiện còn lưu ở đình, thì xưa kia làng Nguyệt Áng nằm trong Đại Đảm trang. Khi Lạc Long Quân và Âu Cơ chia tay nhau, mỗi người mang theo 50 người con, kẻ lên rừng, người xuống biển, người con cả theo Âu Cơ sau lên ngôi vua, gọi là Hùng Vương, em của Hùng Vương là Công Bà là người hào hoa phong nhã, thích ca hát, thông làu kinh sử, văn võ toàn tài, tinh thông thiên văn địa lý đã đi chu du khắp thiên hạ. Một lần ông đến trang Nguyệt Đảm, thấy đất ấy ở thế đắc địa, có gò cao trước mặt, long hổ chầu vào, phía trước có án tạc kim quy, phía sau có hai con hoàng xà phục đến, đúng là đất anh linh tú khí. Ông bèn triệu các bộ lão, cho 100 quan tiền để dựng ngôi đình theo hương Quý Đinh (hướng chính Bắc); lại thêm ruộng để làm hương hoả. Đến ngày 12 tháng hai năm Bính Ngọ (?), Công Ba về Nguyệt Áng thăm lại đình cùng vui với dân làng. Tiệc đang vui thì Công Ba hoá. Dân làng tồn ông làm Thành hoàng, hàng năm đều có tế lễ vào các ngày 12 tháng hai, 12 tháng năm. Các triều vua đều phong ông là “Công Ba đại vương”. Hiện trong đình còn lưu 15 đạo sắc, đạo sớm nhất vào ngày 24 tháng sáu năm Chính Hoà thứ 4 (1683), đạo muộn nhất vào ngày 25 tháng bảy năm Khải Định thứ chín (1924), có một đạo niên hiệu Bảo Hưng thứ 2 (1802).
Làng Nguyệt Áng trước đây có hai ngôi chùa. Chùa Kim Hoa đã bị phá trong chiến tranh, nay chỉ còn chùa Thanh Bảo. Quy mô và kiến trúc chùa hiện nay được bảo lưu theo lần sửa chữa vào năm Nhâm Thân đời Bảo Đại (1932). Hiện còn tấm bia đề ngày tốt, tháng giêng năm Bảo Đại thứ 7 (1932), nội dung nói về bà Lưu Thị Tín lấy chồng là Nghị Sỹ, Tiên chỉ Cử nhân Lưu Thành, con trai là Tham biện Lưu Chung, Lục sự Lưu Đạm góp tiền của để dân làng tu bổ chùa.
Văn chỉ Nguyệt Áng do trạng nguyên Nguyễn Quốc Trinh cùng em là tiến sĩ Nguyễn Đình Trụ và hội Tư văn làng Nguyệt Áng dựng để thờ Khổng Tử và các bậc khoa bảng của làng. Hiện còn 2 tấm bia trụ khổ. Bia thứ nhất đề ngày 13 tháng sáu năm Cảnh Trị thứ 5 (1667) - cũng là năm khánh thành văn chỉ, ghi tên tuổi, khoa thi, chức quan, hành trạng của trạng nguyên Nguyễn Quốc Trinh, các tiến sĩ Nguyễn Đình Trụ, Nguyễn Danh Thọ, Nguyễn Đình Bách, Nguyễn Đình Úc, Nguyễn Xuân Thọ. Bia thứ hai đề ngày 4 tháng hai năm Bính Tý đời Tự Đức (1876) ghi danh 5 tiến sĩ còn lại cùng 29 hương cống, cử nhân và 11 sinh đồ, tú tài của làng. Tấm bia niên hiệu Cảnh Trị thứ 5 (1667) có bài minh ca ngợi truyền thống khoa bảng của dòng họ Nguyễn và của làng.
Lược dịch:
Núi nổi tiếng xứ Nam
Đất đẹp làng Nguyệt Áng
Mở đầu đường làm quan
Khoa nho học kế tiếp Em đỗ tiến sĩ vinh
Anh giành trạng nguyên quý
Với tài ba giường cột
Xây miếu đường nguy nga
Dựng từ vũ cao đẹp
Khoa bảng đỗ đạt nhiều
Chức tướng bậc trọng cao
Công hầu trải ban khắp
Tuổi già sáng suốt nghĩ
Khắc sâu nơi bia đá
Để mãi vạn đời sau.
Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Quốc Trinh (Trạng nguyên từ): nằm trên một khu đất riêng của ông ở làng Nguyệt Áng, dân làng gọi là Thung Cụ Trạng. Đền được trùng tu xong ngày 26 tháng chín năm Bảo Đại thứ 4 (Kỷ Tỵ - 1929) gồm 3 gian nhà nhỏ.
Đình, chùa, văn chỉ Nguyệt Áng đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1995./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01