1. Tên di tích: Di tích lịch sử - văn hóa Đình, Chùa Đại Áng – Xã Đại Áng – huyện Thanh Trì – Thành phố Hà Nội.
2. Loại công trình: Kiến trúc văn hóa lịch sử.
3. Loại di tích: Lịch sử - Văn hóa.
4. Quyết định: Đã xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia theo quyết định 1728/VHQĐ ngày 02 tháng 10 năm 1991.
5. Địa chỉ di tích: Thôn Đại Áng – Xã Đại Áng – Huyện Thanh Trì – Thành phố Hà Nội.
6. Tóm lược thông tin về di tích:
Xã Đại Áng thuộc huyện Thanh Trì - ở phía nam thành phố Hà Nội. Nói tới Đại Áng là nói tới một vùng đất văn hiến với hai đặc điểm nổi bật: là vùng quê hiếu học, khoa bảng và nơi hội tụ đậm đặc các di tích lịch sử văn hoá
Về phương diện hành chính, các thôn làng Đại Áng từ xưa thuộc huyện Thanh Trì, nhưng về mặt địa lý, dân gian thường coi đây là cửa ngõ huyện Thanh Oai từ phía nam kinh thành Thăng Long xuống. ... là những làng rất cổ, được hình thành trước hoặc cùng với quá trình dựng nước của các vua Hùng. Việc thờ thần góp phần chứng minh tính cổ xưa của các làng trong xã. Ngoài địa thần (thần đất - làng Vĩnh Trung), thiên thần (làng Đám) - là những thần tối cổ gắn với tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp ruộng nước từ thủa sơ khai, còn có các vị nhân thần - các hoàng tử, công chúa, bộ tướng của các vua Hùng có công khai lập hoặc mở mang vùng đất Đại Áng ngày nay.
Xã Đại Áng gồm có bốn thôn (làng cũ): Đại Áng, Nguyệt Áng, Vĩnh Trung, Vĩnh Thịnh. Theo các nhà sử học và dân tộc học, vùng đất Đại Áng được các lớp dân cư Việt cổ khai thác từ rất sớm, các làng có tên nôm gồm từ “Kẻ” đứng trước một từ nôm khác thường khó xác định được chính xác ngữ nghĩa như thôn Đại Áng có tên nôm là Kẻ Đảm hay làng Đám; Nguyệt Áng - Kẻ Nguyệt; Vĩnh Trung - Kẻ Vanh; Vĩnh Thịnh - Kẻ Bảo
Khu di tích lịch sử văn hóa Đình, Chùa Đại Áng thuộc thôn Đại Áng – Xã Đại Áng. Đình Đại Áng được xây dựng theo kiến trúc “nội công ngoại quốc” gồm nhà tiền tế, hai giải vũ bao quanh khu hậu cung. Quy mô và kiến trúc đình hiện nay được bảo lưu qua hai lần sửa chữa lớn vào đời Tự Đức: Tháng 01 năm Mậu Ngọ (tháng 12 năm 1858) và tháng chạp năm Kỷ Tỵ (đầu năm 1870). Theo lưu truyền dân gian và theo bài văn trên tấm bia tượng chân dung ở chùa Đại Áng thì khởi đầu, đình dựng ở khu vực Đồng Dền, sau lại chuyển về xóm Tương Bảo (hiện vẫn còn nền đình). Đến năm Long Đức thứ 3 (năm Giáp Dần, 1734) bà Nguyễn Thị Huy, hiệu diệu Lộc là người làng đã công đức tiền của dựng chùa; đồng thời vận động dân làng góp tiền của chuyển đình vào trong làng, tại vị trí hiện nay.
Đình Đại Áng ngoài Thiên quan bản thổ và Túc Trinh công chúa, còn thờ Quý Minh đại vương và Phùng Hưng (hay Bố Cái đại vương). Làng Đại Áng còn có phong tục đẹp là đêm giao thừa dân làng tập trung tế lễ, đón giao thừa tại đình sau đó sang chùa. Phong tục này có do năm 1789 khi Quang Trung đại phá quân Thanh thì một nhánh quân do đô đốc Bảo chỉ huy đêm 30 tết tập trung tại đình Đại Áng cùng các tướng lĩnh và dân làng làm lễ yết cáo các vị thần và được thần âm phù phá tan giặc, đồng thời dân làng còn góp người, góp của để quân Tây Sơn hạ thành Ngọc Hồi, Đống Đa. Sau khi thắng lợi đô đốc Bảo về làng tạ ơn thần và dân làng đồng thời tặng làng thanh kiếm của ông (theo lưu truyền hiện nay vẫn còn).
Hiện trong đình Đại Áng còn lưu 28 đạo sắc cho các vị thành hoàng; đạo sớm nhất vào năm Vĩnh Thọ thứ 3 (năm 1660), đạo muộn nhất vào năm Khải Định thứ 9 (năm 1924).
Chùa Đại Áng (còn được gọi là chùa Thiên Phúc, chùa Đám). Theo lưu truyền dân gian, chùa do Nguyên phi Ỷ Lan hưng công tạo dựng. Đến khoảng niên hiệu Long Đức (1732-1734) và Vĩnh Hựu (1735-1740), chùa được trùng tu và mở rộng như quy mô ngày nay. Chùa gồm tiền đường, thiêu hương, thượng điện. Chùa còn lưu giữ nhiều tượng phật có giá trị như: Tuyết Sơn, Di Lặc, Quan Âm Chuẩn đề, Cửu Long…trong đó tiêu biểu nhất: Tượng Cửu Long và tượng quan âm nghìn mắt nghìn tay. Ở tòa Cửu Long, ngoài 9 rồng phun nước và tắm cho Đức Phật ở chính giữa, xung quanh là lớp tượng nhỏ khác nhau đến với Phật. Với ý nguyện “từ, bi, hỉ, xả” cho mọi người được ấm no, hạnh phúc. Tượng quan âm nghìn tay nghìn mắt cao 4m rập lại mẫu tượng Quan âm tại chùa Bút tháp Bắc Ninh khá đẹp. Ngoài hệ thống tượng phật, chùa còn có hai tấm bia hậu quý. Một tấm dựng ngày tốt tháng 8 năm Giáp Dần niên hiệu Long Đức (năm 1734). Bài văn bia do Nguyễn Phổ, Đệ nhị giáp Tiến sĩ (Hoàng giáp) khoa Quý sử niên hiệu Long Đức (năm 1733), Cẩn sự lang, Hàn lâm viện Hiệu lý soạn. Nội dung văn bia nói về bà Nguyễn Thị Huy, hiệu diệu Lộc là người làng, cúng cho làng 3 mẫu ruộng, 1 khu ao và vườn rộng 1 sào 2 khẩu, 60 quan tiền để dựng chùa. Bia thứ 2 dựng ngày tốt tháng một năm đầu niên hiệu Vĩnh Hựu (năm Ất Mão, 1735).
Đình chùa Đại Áng được Bộ trưởng Bộ VHTT cấp bằng di tích lịch sử văn hóa số 1728 ngày 02 tháng 10 năm 1991.