"...Với một Gavroche, Vitor Hugo đã viết nên những trang bất hủ. Trẻ em của chúng ta đã anh dũng, hồn nhiên tham gia cuộc đấu tranh trường kỳ gian khổ cùng với cha, anh; không kém gì những Gavroche trên chiến luỹ cách mạng Pháp. Thế mà sách vở viết về mặt này còn quá ít. Nhà văn Việt Nam còn mắt nợ các em rất nhiều.
Với TUỔI THƠ DỮ DỘI, Phùng Quán đã bắt đầu trả nợ một cách chính đáng. Sách dày 800 trang mà người đọc không bao giờ muốn ngừng lại, bị lôi cuốn vì những nhân vật ngây thơ có, khôn ranh có, anh hùng có, vì những sự việc khi thì ly kỳ, khi thì hài hước, khi thì gây xúc động đến ứa nước mắt... Tôi chỉ mong làm sao cho tất cả các em thiếu nhi Việt Nam được đọc sách này" (Nguyễn Khắc Viện)
“Tuổi thơ dữ dội" không phải là một tác phẩm xa lạ với những người ham mê sách. Ngay từ khi những tác phẩm của Phùng Quán còn bị xếp vào hàng "quốc cấm" những năm 80, 90 của thế kỷ trước, tác phẩm đã đến với nhiều thế hệ bạn đọc và để lại những ấn tượng khó phai mờ trong tâm trí độc giả...
Câu chuyện mà Phùng Quán kể là một câu chuyện đã lùi khá xa vào lịch sử. Đó là những năm tháng đầu tiên quân dân cả nước ta, trong đó có thành phố Huế thân thương, nổ súng bắt đầu 9 năm kháng chiến chống Pháp. Phùng Quán dường như đã để cho dòng hồi tưởng của mình chạy không ngừng nghỉ trên trang giấy, làm sống lại những ngày tháng oai hùng nhưng cũng không khỏi tang thương của dân tộc. Cuộc kháng chiến vĩ đại ấy được nhà văn miêu tả ở một góc nhỏ, rất nhỏ nhưng lại có sức lay động trái tim của người đọc - đó là cuộc chiến đấu của đội Vệ quốc đoàn tí hon - Đội thiếu niên trinh sát Trung đoàn 101, tiền thân là Trung đoàn Trần Cao Vân.
Những đứa trẻ thơ ngây, nghèo khổ, chịu đủ những ngang trái của cuộc đời đã biết yêu nước và căm thù giặc từ tuổi thiếu niên. Các em đã tụ họp bên nhau trong một đội trinh sát được cấp trên giao phó công việc liên lạc, rồi cả tình báo cho đơn vị. Những gian khổ không thể tưởng tượng nổi của những năm đầu kháng chiến đè nặng lên vai các em. Nhưng không ai chùn bước. Các em đã theo Trung đoàn tỏa xuống chiến trường, tỏa lên chiến khu... Có em Vịnh đã hy sinh một tư thế bi hùng - khi giặc bắn chết em, trên người em không mảnh vải che thân, chiếc áo duy nhất em dùng để buộc thân mình vào cột thu lôi trên mái nhà trơn trượt cho khỏi ngã, chiếc quần duy nhất em xé ra làm cờ để đánh tín hiệu cho các bạn về kho xăng giặc.
Em chết nhưng vẫn đứng hiên ngang trên đầu giặc. Khi ngọn lửa đốt kho xăng bùng lên, cả thành Huế nhìn thấy bóng em in đậm giữa khói lửa sa trường... Có em Quỳnh là con trai duy nhất của quan tuần phủ Huế, nhưng dám kiên quyết giã từ nhung lụa giàu sang; giã từ cả chiếc đàn thân yêu cho dù em đam mê âm nhạc đến vô cùng - để rồi dấn thân vào một cuộc chiến đấu nghèo khổ, thiếu thốn nhưng đầy kiêu hãnh. Em đã ngã xuống ở tuổi 13 vì đói rét, bệnh tật nơi chiến khu nhưng đã để lại cho đời bài ca bất tử - "Sông Ô Lâu kháng chiến".
Còn nhiều, nhiều nữa những cuộc đời như thế đã sống dậy kiêu hùng trên trang văn Phùng Quán. Các em đã chiến đầu và hy sinh như những người chiến sỹ thực thụ. Người đọc bàng hoàng vì không thể tưởng tượng nổi trong những tháng năm như thế, con trẻ nước Việt Nam sao lại trung dũng đến lạ kỳ. Người ta phải giật mình khi nhìn lại những gì mình đang có, cho dù ít ỏi đến mức nào, cũng là một thiên đường so với thế hệ các em. Những thiếu thốn, những khổ đau tưởng như khôn cùng mà hiện lên rất thật như thể chỉ khẽ chạm vào là thấy.
"Tuổi thơ dữ dội" không chỉ dữ dội một chiều trong cuộc chiến đấu địch - ta. Sự dữ dội của nó còn gây chấn động lòng người bởi những mư mô phản trắc trong lòng đội thiếu nhi trinh sát, bởi những "con sâu" sống ô nhục ngay trong lòng hàng vạn chiến sĩ anh hùng, ngay trong lòng cuộc kháng chiến cứu quốc hào hùng của dân tộc. Sự dữ dội ấy còn hiện lên trong nỗi uất ức khôn cùng của một em bé bị nghi oan là Việt gian, để cuối cùng khi em sắp hi sinh, lời nói duy nhất em thốt lên không phải tiếng kêu rên mà là tiếng nói tha thiết xin được minh oan... Những trái ngang như thế làm cho người đọc tiếc nuối, cảm thương nhưng cũng phải học cách chấp nhận.
"Tuổi thơ dữ dội" khá dài, nhưng có sự cuốn hút lạ kỳ. Một tác phẩm thai nghén từ năm 1968 đến 1986 mới hoàn thành, cho nên nó đủ sức khiến người đọc bỏ ăn ngủ để đọc một mạch cho đến trang cuối cùng. Gấp trang sách lại, người ta cảm nhận được rất nhiều điều. Nhất là khi nó được viết nên bởi một cây bút từng bị coi là "có vấn đề". Tại sao sau bao chìm nổi của cuộc đời với vụ án Nhân văn - Giai phẩm, ông vẫn có thể vững lòng viết nên một thiên tráng ca như thế? Có phải đây cũng là tiếng lòng mà ông muốn người đời hiểu:
-Mạ ơi! Con là Vệ quốc đoàn! Con không phải Việt gian mô!
Bi tráng và nghẹn ngào. Đau buồn nhưng đầy khí thế, "Tuổi thơ dữ dội" xứng đáng được người đọc hôm nay trân trọng. Biết đâu bạn lại nghiệm ra điều gì đó cho riêng mình.
Các em học sinh có thể tìm đọc cuốn sách trên tại Thư viện của nhà trường vào các ngày trong tuần với ký hiệu TK.15.