Cuốn sách Chu Văn An người thầy của muôn đời thực sự là một tài liệu cần thiết biên soạn, phát hành. Ý nghĩa hơn, cuốn sách lại được phát hành đúng dịp lễ kỉ niệm 720 năm ngày sinh của danh nhân Chu Văn An.
Cuốn sách Chu Văn An người thầy của muôn đời được in bìa cứng, trang trọng với kết cấu gồm 5 chương.
Chương 1: Quê hương Chu Văn An
Chương 2: Thân thế và sự nghiệp
Chương 3: Sự nghiệp giáo dục
Chương 4: Sự nghiệp văn chương
Chương 5: Một số di tích thờ Chu Văn An
Phần kết : Chu Văn An – Người thầy của muôn đời.
Không chỉ là người hiệu trưởng đầu tiên của VN, là nhà Nho học tiêu biểu, hiền sĩ với nhiều câu nói bất hủ… Chu Văn An thực sự là tấm gương sáng về đạo làm người. Tại buổi lễ, nhiều tích trò về Chu Văn An đã được tái hiện thú vị. Chu Văn An người thầy của muôn đời thực sự là một cuốn sách cần thiết và hiện đã có bán tại nhiều quầy sách trên cả nước để bạn đọc, người đời sau có thể tìm hiểu về Chu Văn An.
Chu Văn An (1292-1370) là người làng Quang Liệt (nay là thôn Văn), xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội: mất tại phượng Hoàng, Chí Linh, Hải Dương; tên hiệu là Tiền Ẩn, tên chữ là Linh Triết.
Các chính sử Việt Nam cho đến nay viết về ông không nhiều và chưa thật tường tận. Tuy nhiên, qua những tài liệu ít ỏi đó, chúng ta cũng đủ thấy Chu Văn An là "bậc nho học tiêu biểu nhất của nước Việt", là "bậc thánh cao nhất", là "ngôi sao sáng nhất trên bầu trời văn hiến Việt Nam", được hậu thế tôn vinh là "Vạn thế sư biểu", tức là "Người thầy của muôn đời". Ngay từ nhỏ, Chu Văn An đa nổi tiếng là người cương trực, luôn sửa mình trong sạch, giữ tiết tháo, không cầu danh lợi, chỉ ở nhà đọc sách. Khi còn ở quê hương, ông mở trường dạy học ở Huỳnh Cung, là phần đất giáp ranh giữa hai xã Thanh Liệt và Tam Hiệp (nay thuộc huyện Thanh Trì - Hà Nội). Học trò tìm đến theo học rất đông , Đại Việt sử kí toàn thư chép: "Tiếng đồn xa gần, học trò đầy cửa, có nhiều người đỗ đạt và làm quan to trong triều đình. Hai học trò nổi tiếng nhất của Chu Văn An là Lê Quát quê ở Thanh Hóa và Phạm Sư Mạnh quê ở Hải Dương, đây là hai vị quan xuất thân từ khoa bảng có nhiều công lao đóng góp cho nước nhà. Chu Văn An không chỉ là người thông tuệ kinh sách mà còn là một nhà giáo rất nghiêm khắc, lấy mình làm gương mẫu cho học trò noi theo. Những học trò của ông tuy đã làm quan đến hàm thượng thư như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát những khi về thăm đều được thầy dặn dò chỉ bảo cặn kẽ. Những người không giữ được phẩm hạnh thì ông nghiêm khắc trách mắng, thậm chí la hét không cho vào. Do tài năng và phẩm hạnh, Chu Văn An được Trần Minh Tông mời ra làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám đầu tiên ( tức Hiệu trưởng đầu tiên). Trong thời gian đứng đầu Quốc Tử Giám, Chu Văn An có nhiều đóng góp trong việc hoàn thiện chương trình truyền dạy tư tưởng Nho giáo vào Việt Nam và được lưu danh là "ông tổ của đạo Nho ở Việt Nam". Là người tài cao đức trọng ông đã đóng góp lớn trong việc đào tạo nhân tài, dạy các thái tử sau này lên ngôi vua như Trần Hiến Tông, Trần Dụ Tông.
Khi triều đình rối ren, vua ăn chơi sa đọa, không quan tâm đến việc triều chính, ông đã nhiều lần khuyên can nhưng không được. Quá bất bình, ông dâng thất trảm sớ, xin chém đầu bảy tên nịnh thần để mong giữ yên triều chính. Thất trảm sớ của ông không được đoái hoài đến, ông đã trả mũ áo từ quan, nêu khí tiết của người thầy và cũng là tấm gương sáng về đạo làm tôi cho muôn đời sau noi theo.
Về ở ẩn ở núi Phượng Hoàng, Chí linh, Hải Dương, ông tiếp tục dạy học, nghiên cứu y học, viết ách , làm thơ…. Các tác phẩm của ông theo sử sách ghi lại có Tứ thư thuyết ước, Y học giải yếu, một số sách khác và 12 bài thơ chữ hán. Chu Văn An là người đầu tiên được đưa vào thờ tại Văn Miếu và được hậu thế dựng đền miếu thờ phụng.
Ngoài ra, cuốn sách có phần phục lục các văn bia viết về Chu Văn An, đặc biệt có đề cập đến các di tích thờ vị học trò đặc biệt của Chu Văn An – Thủy thần hồ Long Đàm (Linh Đàm) như truyền thuyết đã đề cập.
Sách được in trên khổ 14,5 x 20,5 cm, dày 228 trang, bìa mềm gấp mép, có hình ảnh đẹp.
Cuốn sách ra mắt bạn đọc thể hiện lòng thành kính, tri ân, trân trọng của thế hệ con cháu hôm nay với người thầy vĩ đại của dân tộc. Đồng thời, sẽ là nguồn động viên, khích lệ cán bộ, đảng viên, các thầy giáo, cô giáo, các em học sinh, sinh viên của huyện Thanh Trì và Thị xã Chí Linh nói riêng, cả nước nói chung tiếp tục rèn đức, luyện tài, đẩy mạnh phong trào thi đua Dạy tốt - Học tốt, cung cấp nhiều nhân tài cho quê hương, đất nước.
Bạn đọc có thể đến thư viện trường THCS Đại Áng đọc cuốn sách trên với ký hiệu sách TK.9051-9052 vào các ngày trong tuần.
Trân trọng cùng giới thiệu đến bạn đọc !!!