ĐIỂN CỐ "BA THU" TRONG TRUYỆN KIỀU CÓ Ý NGHĨA GÌ?
Sầu đong càng lắc càng đầy,
Ba thu dọn lại một ngày dài ghê!
...
"Ba thu" → ba mùa thu → 3 năm. Điển này lấy ý từ bài "Thái cát" (Hái rau) trong kinh Thi, sách tập hợp ca dao do Khổng Tử và học trò sưu tầm và san định.
Nguyên văn bài Thái cát như sau:
Thái cát
I
Bỉ thái cát (yết) hề.
Nhất nhật bất kiến,
Như tam nguyệt hề.
II
Bỉ thái tiêu (sưu) hề.
Nhất nhật bất kiến,
Như tam thu hề!
III
Bỉ thái ngả hề
Nhất nhật bất kiến,
Như tam tuế (toái) hề.
Tạm dịch:
I
Kìa người hái sắn hái đay,
Trông nhau không thấy một ngày tương tư.
Lâu như ba tháng đợi chờ.
II
Cỏ tiêu đi hái kìa ai,
Xa nhau chẳng gặp một ngày đợi trông.
Bằng ba mùa đã chất chồng.
III
Ra đi hái ngải kìa người.
Một ngày chẳng gặp thấy thời dài ghê.
Như ba năm trọn não nề.
ĐIỂN CỐ"CHÍN CHỮ" TRONG TRUYỆN KIỀU
Sinh (sinh đẻ), Cúc (nuôi nấng), Phủ (vuốt ve), Súc (cho bú mớm), Trưởng (lớn), Dục (dạy dỗ), Cố (chăm nom), Phục (theo tính mà dạy), phục (giữ gìn, bảo bọc).
Từ điển tích này trong Kinh thi mà ca dao ta có câu:
Nhớ ơn chín chữ cù lao
Ba năm nhũ bộ, biết bao nhiêu tình .
và trong truyện Kiều cũng có đề cập đến:
Duyên hội ngộ, đức cù lao
Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn
LIỄU CHƯƠNG ĐÀI
Liễu Chương Đài trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, đoạn diễn ta nỗi lòng nhớ thương quê hương và tình nhân của nàng Kiều lúc ở lầu xanh, có câu:
Nhớ lời nguyện ước ba sinh,
Xa xôi ai có biết tình chăng ai?
Khi về hỏi Liễu Chương Đài,
Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay!
"Chương Đài" là tên một con đường ở thành Trường An bên Tàu. "Hỏi Liễu Chương Đài" là hỏi thăm cây liễu ở đường Chương Đài. Đây có nghĩa là hỏi thăm người tình nhân cũ (tức là nàng Kiều).
Sở dĩ có nghĩa ấy do điển tích ở tình sử:
Đời nhà Đường, Hàn Hoành tuổi trẻ nổi tiếng là một người tài danh. Nhà nghèo kiết, lấy một nàng kỵ nữ họ Liễu ở Chương Đài.
Mấy năm sau, quan Tiết độ sứ ở châu Thanh là Hầu Hy Dật mến tài, tâu vua xin Hàn Hoành làm người giúp việc. Bấy giờ, đương lúc nhiễu loạn, Hàn không dám đem Liễu đi theo, để nàng ở lại kinh đô, định chờ dịp tiện sẽ về đón. Nhưng trải qua ba năm trời, Hàn vẫn không về đón được. Nhân lấy vàng đựng vào một cái túi gởi về cho Liễu, kèm theo một bài thơ:
Liễu ơi, hỡi Liễu Chương Đài,
Ngày xưa xanh biếc, hỏi nay có còn?
Ví tơ buông vẫn xanh rờn,
Hay vào tay khác, khó còn nguyên xưa!
Nguyên văn:
Chương Đài Liễu! Chương Đài Liễu!
Tích nhật thanh thanh kim tại phủ?
Túng sử trường điều tự cựu thùy,
Dã ưng phan chiết tha nhân thủ.
Liễu được thơ cũng đáp lại:
Xanh non cành liễu đương tươi,
Năm năm luống để tặng người biệt ly.
Thu sang quyện lá vàng đi,
Chàng về biết có còn gì bẻ vin!
(Bản dịch của Trúc Khê)
Nguyên văn:
Dương liễu chi, phương chi tiết,
Khả hận niên niên tặng ly biệt.
Nhất diệp tùy phong hốt báo thu,
Túng sử quân lai khởi kham chiết!
Lời thơ trao đổi thành một điềm gở báo trước.
Một thời gian, Hàn được trở về triều, tìm Liễu không thấy đâu cả. Dò hỏi tin tức, thì ra Liễu đã bị viên tướng Phiên rất có công trạng với triều đình tên Sa Tra Lợi thấy nàng có sắc đẹp nên cướp mất. Nàng bấy giờ được luyến ái hơn hết cả mọi phòng. Hàn buồn bã vô cùng, nỗi nhớ thương không sao khuây được.
May có một tráng sĩ trẻ tuổi tên Hứa Tuấn thương xót tình cảnh của Hàn, tìm mẹo cứu được Liễu. Bấy giờ vợ chồng được xum họp đầm ấm như xưa.
ĐIỂN CỐ "MẮT XANH"
"Mắt xanh" do chữ "Thanh nhãn", tức là mắt ở giữa là tròng đen (hoặc xanh) hai bên tròng trắng.
Nguyên Nguyễn Tịch, người đời nhà Tấn, là người rất ưu rượu và đàn. Làm quan rồi cáo bịnh về nhà, kết bạn cùng Kê Khang, Lưu Linh, Nguyễn Hàn, Sơn Đào, Hướng Tú và Vương Nhung, người thường gọi là "Trúc lâm thất hiền" (bảy người hiền ở rừng trúc).
Có giai thoại về ồng.
Được biết trong bộ Binh có người bếp cất rượu rất ngon, trữ 300 hũ mỹ tửu, ông liền xin vào làm một chức nhỏ ở đây để được thưởng thức! Có lần ông say luôn 60 ngày, vua Tấn muốn nói chuyện với ông mà không được. Người ta cho ông là "cuồng túy".
Ông là người chán đời, thích tiêu diêu trong vũ trụ. Thơ của ông phần nhiều tả tình, hoặc than cho thói đời đen bạc, hoặc chán cho thế sự thăng trầm, hoặc ngao ngán cảnh phú quý công danh như phù vân... Tư tưởng của ông có lúc lại kỳ dị. Như trong bài văn xuôi "Đại nhân tiên sinh truyện", ông ví con người trong vũ trụ như con rận trong quần.
Ông phản đối Nho giáo. Ông bảo: "Không có vua thì vạn vật ổn định; không có bề tôi thì mọi việc được trị; không có kẻ sang thì kẻ hèn không oán; không có kẻ giàu thì kẻ nghèo không tranh của. Ai nấy đều đủ ăn mà không cầu gì nữa". Thật là một tư tưởng "vô chính phủ" nhưng cũng lạ là vua Tấn vẫn để ông ở yên.
Nguyễn Tịch lại có một thái độ lạ lùng. Khi tiếp khách hễ là hạng quân tử, là hạng người vừa lòng mình thì Nguyễn Tịch nhìn thẳng bằng tròng mắt xanh; trái lại khách là kẻ tầm thường, người không vừa lòng mình thì ông nhìn bằng đôi tròng trắng.
Do điển đó, sau này người ta dùng chữ "Mắt xanh" để chỉ sự bằng lòng, vừa ý. Cũng như câu của Từ Hải: "Mắt xanh chẳng để ai vào có không?" là ý muốn hỏi: nàng chưa thấy ai là người vừa ý phải không? Tức là nàng chưa tiếp ai bằng mắt xanh.
MỘT SỐ THÀNH NGỮ, ĐIỂN CỐ ĐÔNG TÂY NÓI VỀ NGỰA
Con ngựa thành Tơroa: Theo thần thoại Hy Lạp, quân Hy Lạp muốn chiếm thành đã dùng một con ngựa gỗ, trong bụng có chứa rất nhiều quân mai phục, rồi đánh lừa quân thành Tơroa đưa vào thành. Đêm đến, quân Hy Lạp từ trong bụng ngựa chui ra mở cửa thành, đốt lửa làm ám hiệu cho đại quân mở cửa vào thành. Thành Tơroa bị hạ. Sau này trong văn học, điển tích: "Con ngựa thành Tơroa" chỉ một việc làm có nội ứng, hay một bề ngoài đẹp đẽ nhưng bên trong chứa đầy âm mưu.
Ngựa tái ông: Xưa có một ông già mất một con ngựa. Người ta đến chia buồn, ông bảo: Chưa chắc đã là điều không hay. Ít lâu sau con ngựa trở về lại dắt theo một con ngựa khác. Người ta đến mừng, ông bảo: Chưa chắc đã là điều hay. Quả nhiên, con trai ông tập phi ngựa bị ngã què chân. Người ta lại đến hỏi thăm, ông bảo: chưa chắc đã là điều bất hạnh. Một thời gian sau có chiến tranh, thanh niên trai tráng phải ra trận, riêng con ông được ở nhà vì què chân. Từ đấy điển tích "Con ngựa tái ông" chỉ họa phúc khôn lường, được không nên mừng, mất không nên lo. Ngựa tái ông họa phúc biết về đâu.
Ngựa Xích thố: Ngựa Xích thố là ngựa có sắc lông đỏ, tượng trưng cho ngựa qúy. Trong truyện "Tam quốc diễn nghĩa", có con ngựa xích thố nổi tiếng của Quan Công do Tào Tháo tặng, đã đưa Quan Công vượt qua năm cửa ải, chém sáu tướng. Ngựa Xích thố giỏi chiến trận và trung thành với chủ, chỉ có Quan Công và trước Quan Công là Lã Bố là dùng được nó thôi, khi Quan Công chết, Xích thố cũng buồn bã mà chết theo. Nó nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, đến nỗi hàng ngàn năm sau khi nó chết, cứ có con ngựa lông đỏ nào hay, người ta lại cho đó là con Xích thố.
Ngựa trắng có cánh: Trong thần thoại Hy Lạp, hình ảnh con ngựa trắng có cánh và biết bay, tượng trưng cho cảm hứng trong sáng tạo và thi ca.
Kiếp ngựa trâu: Trong ý thức dân gian, ngựa và trâu thường được coi là biểu tượng của những thân phận thấp hèn, gắn liền với sự lao động cực nhọc (cho nên còn có cách nói khác: thân trâu ngựa). Vì vậy, kiếp ngựa trâu thường được dùng trong dân gian để chỉ thân phận nô lệ, bị áp bức.
Lên xe xuống ngựa: Xe và ngựa là những phương tiện giao thông tân tiến của con người, thay thế cho sức đi bộ. Thành ngữ: lên xe xuống ngựa biểu tượng cho sự thay thế tân tiến đó và dần dần nó còn là biểu tượng cho sự xung mãn của từng tầng lớp trên khá giả, thường là tầng lớp thống trị chuyên "ăn trắng mặc trơn, lên xe xuống ngựa"
Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ: Câu này còn có thể nói: Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ. "Tàu" ở đây là từ chỉ chuồng để nuôi ngựa. Dân gian đã mượn vật nuôi là con ngựa - một con vật vốn thân thiết với người để nói lên một cách sâu sắc một vấn đề về đạo lý con người. "Một con ngựa đau" - Hàm ý chỉ sự hoạn nạn cửa một cá thể. "Cả tàu không ăn cỏ" biểu thị sự sẻ chia của đồng loại. Câu thành ngữ đã nêu truyền thống tương thân tương ái, chia sẻ hoạn nạn của cộng đồng con người một cách cụ thể và hết sức có hình ảnh.
Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã: Câu tục ngữ có nguồn gốc Hán - Việt: ngưu = trâu, mã = ngựa, tầm = tìm. Nghĩa của nó là: trâu tìm trâu, ngựa tìm ngựa. Nhằm đúc kết một kinh nghiệm trong cuộc sống có giá trị như là một chân lý về quan hệ giữa người với người: người tốt sẽ tìm đến người tốt để làm bạn thân. Cũng như vậy kẻ xấu sẽ tìm gặp kẻ xấu để kết bè kéo cánh, cùng hội cùng thuyền với nhau.
Vành móng ngựa: Vành móng ngựa là biểu tượng cho tòa án nói riêng và cho pháp luật nói chung. Do đó, khi nói trước vành móng ngựa cũng có nghĩa là trước tòa án, trước pháp luật. Vậy vành móng ngựa có liên quan gì với tòa án, pháp luật? Số là, trước đây ở La Mã, nhà nước xử tội, trừng trị phạm nhân thường dùng ngựa để xé xác hoặc giày xéo lên thân thể của họ. Cách xử tội bằng voi giày ngựa xéo này thể hiện sự nghiêm minh và hà khắc của pháp luật. Về sau, người ta mới lấy vành móng ngựa để làm biểu tượng cho sự uy lực và nghiêm khắc của tòa án. Thành ra, trong các phiên tòa các bị cáo đều phải đứng vào vành móng ngựa dành riêng cho họ. Vành này được tạo dáng giống hình cái móng ngựa, do đó mới được gọi là vành móng ngựa. Thành ngữ trước vành móng ngựa, vì vậy dược hiểu là trước tòa án, trước pháp luật và chịu sự phán xử và trừng phạt của pháp luật.
Cưỡi ngựa xem hoa: Câu này có nghĩa là qua loa, đại khái, không tìm hiểu kĩ. Sở dĩ có thành ngữ này cũng là do câu chuyện sau : Một chàng công tử chân bị què muốn đi xem mặt vợ. Không ngờ cô vợ tuy đẹp nhưng bị sứt môi. Người làm mối cho chàng công tử cưỡi ngựa đi qua cổng và dặn cô gái đứng ở cổng, tay cầm bông hoa che miệng. Hai bên đồng ý kết hôn. Khi cưới mới biết các tật của nhau.
Đơn thương độc mã: Thương là ngọn giáo, mã là ngựa. Thành ngữ này nghĩa gốc là một giáo một ngựa dùng để chỉ sự đơn độc, lẻ loi trong khi chiến đấu với khó khăn nguy hiểm, không có sự hỗ trợ của người khác.
Ngựa le te cũng đến bến Giang - Voi đủng đỉnh cũng sang qua đò: Không nên vội vàng hấp tấp, rồi đâu sẽ vào đấy
Ngựa lồng cóc cũng lồng: Chỉ sự đua đòi bắt chước một cách lố bịch kệch cỡm.
Ngựa nào gác được hai yên: Cái gì cũng có giới hạn và mức độ của nó.
Ngựa non háu đá: Chỉ kẻ trẻ tuổi non nớt nhưng hung hăng, ham đối chọi, hay khiêu khích.
Bóng ngựa qua cửa sổ: Bóng ngựa hay bóng câu (Bạch câu có nghĩa là con ngựa non sắc trắng) lướt qua khe cửa là nhằm để chỉ sự trôi nhanh của thời gian. Do câu nói của Trang Tử: "Nhân sinh thiên địa chi gian, nhược bạch câu chi quá khích, hốt nhiên chi dĩ" (nghĩa là: Người ta sống trong khoảng trời đất, cũng giống như bóng ngựa trong lướt qua khe cửa, trong chốc lát mà thôi). Sách Hán thư cũng chú thích rằng Bạch câu là con ngựa non, dùng dể ví với sự lướt nhanh của bóng mặt trời, bóng nắng của thời gian.
Ngựa quen đường cũ: Ngoan cố, chứng nào tật ấy, không chịu sửa chữa khuyết điểm.
Ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn: Cần phải có bạn bè, có bạn, sống cùng tập thể.
Ngựa chẳng cưỡi, cưỡi bò Đường ngay không chạy, chạy dò đường quanh: Chê người làm khác đời, để tự gây cho mình những khó khăn.
Ngựa quen đường cũ: Thành ngữ này vốn gốc ở thành ngữ Hán “Lão mã thức đồ”. Do đâu có thành ngữ này? Chuyện xưa kể rằng : Tề Hoàn Công đi đánh nước Cô Trúc. Lúc cất quân đi là mùa Xuân, lúc trở về là mùa Đông, băng tuyết phủ đầy nên lạc đường. Quản Trọng bèn tâu : - Thưa bệ hạ, trí nhớ của ngựa già rất tốt. Xin để con ngựa già đi trước dẫn đường. Quả nhiên, ngựa đã tìm được đường về. Trước kia , thành ngữ này được hiểu theo nghĩa : người có kinh nghiệm thường rất thành thuộc sự việc. Ngày nay, thành ngữ này mang nghĩa xấu dùng để chỉ những người không chịu rời bỏ thói hư tật xấu. (Theo hanoi.vnn.vn)
ĐIỂN TÍCH BÁ NHA – TỬ KÌ
Thời Xuân Thu Chiến Quốc, tại kinh đô, nước Sở (nay thuộc về phủ Kinh Châu, tỉnh Hồ Quảng) có một người danh sĩ họ Du tên Thụy, hiệu là Bá Nha. Bá Nha là người nước Sở, nhưng lại làm quan đến chức Thượng đại phu của nước Tấn. Bá Nha nổi tiếng là một khách phong lưu văn mặc, lại có ngón đàn tuyệt diệu nhất đời; ngày liền đêm, Bá Nha không bao giờ rời cây Dao cầm thiết thân của mình.
Năm ấy, trên đường từ Sở về lại Tấn sau sau chuyến công cán, Bá Nha cho thuyền đỗ lại bến Hàm Dương vào một đêm trăng thanh gió mát. Bá Nha cho đồng tử đốt lư trầm trước thuyền, rồi lấy Dao cầm ra so phím thử dây. Dưới ánh trăng trong, tiếng đàn quyện lấy hương trầm đang cất vút lên cao giữa đêm thu thanh vắng, bỗng một tiếng "bựt" khô khan, dây tơ đồng đứt. Bá Nha nghĩ dây đàn đứt ắt có quân tử nào nghe lén đây, bèn sang sảng cất tiếng:
- Có cao nhân nào trên bờ lắng nghe tiếng đàn của tại hạ, xin vui lòng ra mặt.
Từ trên vách núi có tiếng vọng xuống:
- Xin đại nhân thứ lỗi cho, tiểu dân này đi kiếm củi về muộn, đi ngang qua đây, nghe tiếng đàn tuyệt diệu quá, nên cất bước đi không đành.
Bá Nha cười lớn:
- Tiều phu nào mà lại dám nói chuyện nghe đàn với ta?
Tiếng nói từ trên núi lại đáp lại:
- Đại nhân nói vậy, kẻ hèn này trộm nghĩ là không đúng. Há đại nhân không nhớ câu nói của người xưa: "Thập nhất chi ấp tất hữu trung tín" (Trong một ấp có mười nhà ắt có người trung tín). Hễ trong nhà có người quân tử thì ngoài cửa ắt có người quân tử đến...
Bá Nha có vẻ ngượng khi nghe câu nói của người tiều phu. Biết mình lỡ lời, ông tiến sát đến mũi thuyền nói lớn:
- Nếu thật là người trên bờ biết nghe đàn, thì xin cho biết lúc nãy tại hạ đã đàn khúc gì?
Giọng trên bờ bình thản vọng xuống:
- Đó là Khổng Vọng Vi, Đức Khổng Tử khóc thầy Nhan Hồi. Hồi nãy, đại nhân đang đàn thì đứt dây, nên còn thiếu mất câu chót.
Nghe xong, Bá Nha thấy lòng phơi phới lạ, vội sai tùy tùng lên bờ rước người tiều phu xuống thuyền. Bá Nha trân trọng đón tiếp:
- Quý hữu biết nghe đàn, vậy chắc cũng rõ được xuất xứ của cây Dao cầm?
Tiều phu đáp không chút ngập ngừng:
- Nghe nói, thuở xưa vua Phục Hy tình cờ trông thấy có năm sắc sao rơi xuống cụm ngô đồng và chim phượng hoàng đến đó đậu. Vua biết cây ngô đồng là thứ gỗ quý, hấp thụ tinh hoa của trời đất, có thể dùng để làm nhạc khí được, liền cho người hạ cây, cắt làm ba đoạn. Đoạn ngọn, tiếng quá trong và nhẹ, đoạn gốc tiếng đục và nặng, chỉ có đoạn giữa tiếng vừa trong vừa đục, có thể dùng được. Nhà vua cho ngâm đoạn giữa thân cây giữa dòng nước đúng bảy mươi hai ngày đêm, vớt lên phơi trong mát cho thật khô rồi gọi người thợ giỏi Lưu Tử Kỳ đẽo thành cây Dao cầm. Dao cầm dài ba thước sáu tấc, một phần án theo ba trăm sáu mươi mốt độ chu thiên, mặt trước rộng tám tấc, án theo tám tiết, mặt sau rộng bốn tấc án theo bốn mùa, bề dày hai tấc án theo lưỡng nghi. Đàn gồm mười hai phím, tượng trưng cho mười hai tháng trong năm, lại có thêm một phím phụ tượng trưng cho tháng nhuận. Đàn có năm dây án theo ngũ hành tượng trưng cho năm âm: cung, thương, giốc, thủy, vũ. Xưa, vua Thuấn gảy đàn Ngũ huyền, thiên hạ thái bình. Khi vua Văn Vương bị ngồi tù nơi Dũ Lý, Bá Âp Khảo thêm một dây oán, gọi là văn huyền (dây văn). Về sau, khi Vũ Vương đánh nước Trụ, thêm một dây nữa gia tăng kích động gọi là vũ huyền (dây vũ). Do đó, Dao cầm lúc đầu có năm dây, sau có bảy dây. Dao cầm có bốn điều kỵ là: rét lớn, nắng lớn, gió lớn và tuyết lớn; và bảy điều không nên là: không đàn ở đám tang, không đàn lúc lòng rối loạn, không đàn lúc lòng không thanh bạch, không đàn lúc bận rộn nhiều việc, không đàn lúc y trang không chỉnh tề, không đàn lúc không có trầm hương và không đàn lúc không có bạn tri âm.
Bá Nha nghe nói, biết tiều phu là bậc kỳ tài, đem lòng kính thương:
- Hiền hữu quả là người tinh thông nhạc lý. Xưa kia, Khổng Tử đang gảy đàn, thầy Nhan Hồi bước vào, nghe thanh âm sao mà u trầm, biết là trong tâm Khổng Tử đang dao động. Hỏi ra, mới hay là trong khi Khổng Tử đàn, thấy con mèo đang bắt chuột, nên tâm tư đã chùng tiếng tơ đồng. Trước kia, Nhan Hồi nghe tiếng đàn mà biết được lòng học trò, còn ngày nay, nghe tiếng đàn Bá Nha này, hiền hữu có biết lòng ta đang tư lự gì không?
- Xin đại nhân cho nghe một vài khúc nhạc nữa. Bá Nha thay dây đàn, gảy khúc Ý tại non cao.
Tiều phu ngẩng mặt mỉm cười:
- Tuyệt thay, ý chí cao vút. Ý tại non cao.
Bá Nha giật mình ngưng đàn. Một lúc sau gảy thêm khúc Ý tại lưu thủy.
Tiều phu khua tay xuống dòng nước:
- Trời nước bao la. Ý tại lưu thủy.
Bá Nha thất kinh, nhìn người tiều phu không ngớt mắt, sao lại có người cảm thấu được tiếng đàn của mình như vậy. Ông sai nguời hầu dẹp trà, bày tiệc rượu. Xong, ông đứng lên trước mặt người tiều phu, kính cẩn hỏi:
- Dám hỏi tiên sinh quý danh và quê quán.
Tiều phu vội đứng lên, chắp tay thi lễ:
- Tiện dân họ Chung, tên Tử Kỳ, người thôn Tập Hiền gần núi Mã Yên này. Còn đại nhân, chẳng hay cao danh quý tánh là gì, hiện đi trấn nhậm nơi đâu mà ghé thuyền lại đây vãng cảnh.
- Tại hạ họ Du tên Thụy, là Đại phu nuớc Tấn, nhân đi sứ nước Sở về, thấy cảnh Hàm Dương trăng thanh gió mát, nên ghé thuyền thưởng lãm. Tại hạ chỉ là một kẻ tài hèn đức bạc mà thôi. Còn như tiên sinh đây học thức uyên bác cớ sao không xuất thân lập công danh, phò vua giúp nước, mà lại sống ẩn dật chốn núi non hẻo lánh này.
- Tôi còn cha mẹ già, không có anh em, phận làm con phải lo tròn chữ hiếu, dẫu cho công hầu khanh tướng cũng không thể đổi được một ngày báo hiếu của tại hạ.
Biết Tử Kỳ hai mươi bảy tuổi. Bá Nha trân trọng nói:
- Tiện chức hơn tiên sinh những mười tuổi. Nếu tiên sinh không chê tôi đức mọn tài hèn thì xin kết làm anh em để khỏi phụ duyên tri âm.
Chung Tử Kỳ khiêm nhượng đáp:
- Đại nhân là bậc công khanh nơi triều đình, tại hạ là kẻ áo vải chốn sơn lâm thì làm sao kết bạn với nhau được, xin đại nhân miễn cho.
- Giá trị con người đâu ở chỗ giàu sang phú quý, mà ở đức hạnh tài năng. Nay nếu tiên sinh chịu nhận làm anh em thì thật là vạn hạnh cho tiện chức.
Bá Nha đã có thành tâm, Tử Kỳ không từ chối nữa... Bá Nha sai người hầu đốt lò hương mới, lập hương án trước thuyền, cùng Tử Kỳ lạy trời đất tám lạy, nhận nhau làm anh em khác họ. Rồi hai bạn cùng đối ẩm chuyện trò với nhau rất là tương đắc.
Đến lúc ánh trăng nhạt nhòa, tiếng gà eo óc gọi ánh nắng mai, đôi bạn đành phải chia taỵ Bá Nha giọng run run, nhìn Tử Kỳ:
- Lòng huynh quá cảm mộ, chưa nỡ rỡi hiền đệ. Hiền đệ có thể cùng huynh đi thêm một đoạn đường để thêm được một khúc chuyện trò cho thỏa mối tâm tình chăng.
Chung Tử Kỳ cũng không giấu được xúc động:
- Theo lễ, tiểu đệ phải tiễn hiền huynh vài dặm đường mới phải, ngặt vì song thân của tiểu đệ đang trông ngóng ở nhà, xin hiền huynh thứ lỗi.
- Vậy thì hiền đệ về nhà xin với song đường qua nước Tấn thăm chơi, chắc là sẽ được nhận lời.
"Phụ mẫu tồn, bất khả viễn du", làm sao Tử Kỳ có thể rời cha mẹ để vui chơi cùng bạn được. Cuối cùng, Bá Nha nắm tay Tử kỳ, giọng khẩn thiết:
- Sang năm, cũng vào giờ này, xin hẹn hiền đệ tại đây.
Rồi lấy ra hai nén vàng, hai tay dâng cao lên trước mặt:
- Đây là món lễ vật mọn của ngu huynh làm quà cho bá phụ, bá mẫu, đã xem nhau là cốt nhục xin hiền đệ chớ từ chối.
Cảm tình tri ngộ, Tử Kỳ không từ chối. Lưu luyến chia tay, đôi bạn bịn rịn không thốt lên nỗi lời tạm biệt.
Thấm thoắt một năm qua, ngọn gió heo may từ phương Bắc về đem mùa thu đến. Bá Nha vào triều kiến vua Tấn xin được phép về Sở thăm quê nhà. Thuyền đến bến Hàm Dương, Bá Nha cho dừng lại dưới núi Mã Yên. Lòng bồn chồn trông ngóng. Vầng kim ô đã ngả bóng xuống lòng sông, khói sóng dâng lên nghi ngút, sao mãi vẫn không thấy bạn tri âm ra đón. Bá Nha cho đồng tử đốt lò hương, rồi lấy Dao cầm đàn một khúc. Trong cơn gió nhẹ đầu thu, Bá Nha bỗng nghe tiếng đàn của mình sao mà ai oán, não nùng. Bá Nha thất kinh, ngừng tay đàn, tâm thần rối bời; cung thương bỗng nghe sầu thảm như thế này thì chắc là Chung Tử Kỳ gặp nạn lớn rồi. Cả đêm, Bá Nha trăn trở, nhớ thương và âu lo cho bạn. Trời chưa sáng, Bá Nha đã khoác cây Dao cầm lên lưng, bỏ vào túi mười nén vàng ròng rồi cùng vài tên hầu tìm đến chân núi Mã Yên. Dọc đường, gặp một ông lão, tay xách giỏ mây, tay cầm gậy trúc. Bá Nha lễ phép thưa:
- Xin lão trượng chỉ đường đi đến Tập Hiền thôn.
- Có Tập Hiền thôn thượng, Tập Hiền thôn hạ. Tiên sinh cần đến thôn nào?
- Thưa lão trượng, người Tử Kỳ họ Chung ở thôn nào?
Vừa nghe nhắc đến tên Chung Tử Kỳ, lão ông sa sầm nét mặt, đôi mắt trũng sâu chảy dài hai hàng lệ. Lão ông sụt sùi, giọng ngắt đoạn:
- Chung Tử Kỳ là con lão. Năm ngoái cũng vào ngày này, nó đi củi về, gặp một vị quan nước Tấn tên là Bá Nha và kết nghĩa huynh đệ vì chỗ đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Lúc chia tay, vị quan có tặng cho vợ chồng lão hai nén vàng. Ở nơi núi non heo hút thế này, vợ chồng lão chưa cần đến số vàng đó, nên con lão đã dùng đổi lấy sách, đọc bất kể ngày đêm, giờ giấc, ngoài việc đốn củi mưu sinh. Có thể vì quá lao nhọc, con lão đã lâm bệnh mà qua đời rồi...
Chưa kịp nghe hết lời, Bá Nha đã bật òa khóc, ôm chầm lấy ông lão nghẹn ngào "Kẻ hậu sinh này chính là người bạn kết giao của Chung Tử Kỳ đây". Ông lão thảng thốt, trời ơi:
- Mang ơn đại nhân không chê trách cảnh bần cùng, đã cùng con lão kết nghĩa tâm giao. Lúc lâm chung, con lão đã trối trăng lại: "Sống không trọn đạo làm con, chết xin được chôn dưới chân núi Mã Yên để trọn đạo nghĩa với bạn, nằm bên triền dốc chờ đúng lời hẹn mùa thu này". Con đường mà đại nhân vừa đi qua phía bên phải có nấm đất nhỏ, chính là ngôi mộ của Tử Kỳ đó. Hôm nay vừa đúng một trăm ngày mất, lão vừa đi viếng mộ con về thì gặp đại nhân.
Trước mộ Tử Kỳ, Bá Nha vừa lạy vong linh bạn xong, truyền đem đàn đến, ngồi trên tảng đá tấu khúc "Thiên thu trương hận". Tiếng đàn đang réo rắt bỗng trầm hẳn xuống. Tiếng gió ngàn rít mạnh, bầu trời trở màu tối sẫm, tiếng chim từ xa vọng về nghe u uất não nùng. Bá Nha ngưng đàn. Gió ngừng rít, trời trong sáng trở lại, chim ai oán cũng dần lặng tiếng. Bá Nha nhìn Chung lão thưa:
- Tử Kỳ đã về đây chứng giám cho lòng thành của tiểu sinh. Tiểu sinh mới vừa đàn khúc đoản ca để viếng người tri âm tài hoa mệnh yểu, và xin đọc thành thơ đoản ca này:
Ức tính khi niên xuân
Giang thượng tằng hội quân
Kim nhật trùng lai phỏng
Bất kiến tri ân nhân.
Đản kiến nhất phân thổ
An nhiên thương ngã tâm
Bất giác lệ phân phân
Lai hoan khứ hà khổ
Giang ban khởi sầu vân.
Tử Kỳ, Tử kỳ hề!
Nhĩ, ngã thiên kim nghĩa
Lịch tận thiên nhai vô túc ngữ
Thử khúc chung hề bất phụ đàn
Tam xích Dao cầm vị quân tử
Tạm dịch :
Từ nhớ đến mùa thu năm trước
Bến trường giang gặp bạn cố nhân
Năm nay lại đến Giang Tân
Dòng sông lạnh ngắt cố nhân đâu rồi
Buồn chỉ thấy nấm mồ bên núi
Cõi ngàn năm chia cắt đau lòng
Ôi thương tâm, ôi thương tâm
Sụt sùi lai láng bao hàng lệ rơi
Mây sầu thấp thoáng chân trời
Đêm vui đổi lấy một đời khổ đau
Tử Kỳ ơi, Tử Kỳ ơi
Ngàn vàng khôn chuộc được bầu tâm can
Thôi từ nay, thôi phím đàn
Ngàn thu thôi hết mơ màng cố nhân...
Lời thơ vừa dứt, Bá Nha nâng Dao cầm lên cao, đập mạnh xuống tảng đá. Dao cầm vỡ tung từng mảnh, trụ ngọc, phím đồng rơi lả tả. Lão ông hoảng kinh, sao đại nhân lại đập vỡ đàn quí. Bá Nha đáp lời bằng bài thơ tứ tuyệt:
Thốt đoái Dao cầm phượng vĩ hàn
Tử Kỳ bất tại, hướng thùy đàn?
Xuân phong mãn diện giai bằng hữu
Dục mịch tri âm, nan thượng nan.
Tạm dịch :
Dao cầm đập nát đau lòng phượng
Đã vắng Tử Kỳ đàn với ai
Gió xuân bốn phía bao bè bạn
Khó thay tìm được bạn tri âm
Bốn câu thơ là bài văn tế cho bạn. Bá Nha quay lại phía lão ông, sụp quỳ xuống:
- Bá Nha Tử Kỳ đã y lời hẹn đến đây rồi. Nay tiểu sinh có đem theo ít nén vàng, xin thành tâm dâng lên bá phụ cùng bá mẫu để cung dưỡng tuổi già và tạo mươi mẫu ruộng làm tự cho Tử Kỳ. Bốn năm nữa hạ quan sẽ dâng biểu từ quan, về đây chung sống với bá phụ bá mẫu, với người bạn tri âm.
Chung lão không từ chối. Bá Nha lạy Chung lão, lạy tạ từ bạn rồi quay xuống bến, cho thuyền nhổ sào, trở về nước Tấn.
****************************
CAO SƠN LƯU THỦY KHÚC
高山流水
“Cao sơn lưu thủy” gắn liền với điển tích Sở Bá Nha - Chung Tử Kì. Tương truyền, hơn hai nghìn năm trước Bá Nha hay đàn bản “Cao sơn lưu thủy”, nhưng chỉ có một mình Chung Tử Kì biết thưởng thức. Một lần Bá Nha gảy đàn, chí tại non cao, Tử Kì liền bảo “Thiện tại hồ cổ cầm, nguy nguy hồ nhược Thái Sơn” (Đánh đàn hay thay, vòi vọi tựa Thái Sơn). Bá Nha chí tại vực sâu, Tử Kì nhận ngay ra rằng “Đăng đăng hồ nhược lưu thủy” (Cuồn cuộn như nước chảy).
Khi Tử Kì lâm bệnh chết, Bá Nha chỉ gẩy đàn thêm một lần duy nhất trước mộ người tri âm rồi đập đàn vào tảng đá, không bao giờ cầm đến cây đàn nữa.
Bản “Cao sơn lưu thủy” lưu truyền ngày nay chủ yếu là bản do Xuyên Phái đời Thanh gia công và phát triển, được Đường Di Minh đời nhà Thanh ghi lại trong “Thiên văn các cầm phổ” (năm 1876). Ông đã hết sức phát huy các thủ pháp cổn, phất, xước, chú, khiến hình tượng núi cao, nước chảy thêm rạng rỡ, nên mới có danh xưng “Thất thập nhị cổn phất lưu thủy”.
Bản nhạc này được phân thành 9 đoạn và một vĩ thanh, cụ thể là 4 bộ phận lớn: khởi, thừa, chuyển hợp. Phần khởi (đoạn 1 đến đoạn 3), thông qua giai điệu thâm trầm, hồn hậu, uyển chuyển và âm bội sáng rõ, đã biểu hiện được những cảnh tượng kì diệu của núi cao trùng điệp, suối chảy khe sâu một cách rõ ràng, tươi sáng.
Phần thừa (4 và 5), dàn trải không dứt, giai điệu đậm màu sắc ca hát, giống như những giọt nước chảy trong khe suối tập hợp thành dòng nước mạnh. Phần chuyển (6 và 7), nhờ vào khúc điệu có thứ tự bội âm đi xuống và âm giới của 5 thanh đi lên, âm hóa với xung động mạnh, kết hợp với các thủ pháp cổn, phất, như một dòng thác chảy ào ạt xuống, dồn vào sông biển cuộn trào sóng lớn. Phần hợp (đoạn 8 và vĩ thanh), vận dụng một phần âm điệu của phần thừa và phần chuyển tạo thành hiệu quả hô ứng, tạo nên dư âm như sóng trào trên sông biển, khiến người nghe có thể cảm nhận dư vị hết sức ngỡ ngàng và thú vị.
Thời nhà Đường, “Cao sơn lưu thủy” phân ra thành hai khúc, không phân đoạn. Đến thời Tống lại phân cao sơn thành 4 đoạn, lưu thủy thành 8 đoạn, thiên về lưu thủy, khiến cho người nghe có cảm giác biển lớn đang vỗ sóng bên tai, âm vang mãi không thôi.
LƯU THỦY HỮU TÌNH
Lắng nghe khúc nhạc, nếu thật sự không nhập tâm và tinh tế thì chúng ta không thể thấy hết cái hay cái đẹp của nó. Khúc nhạc bắt đầu bằng những thanh âm nhẹ nhàng và chậm rãi. Tiếng đàn đưa ta đến một không gian cao, rộng và thoáng đãng và mơ màng. Ta như thấy lại hình ảnh Bá Nha năm nào đang đưa người theo điệu nhạc, đôi mắt nhắm lại và mơ về một nơi xa nào đó. Chỉ có đôi tay người nghệ sĩ lướt nhẹ trên phím đàn khi trầm khi bổng, dặt dìu, êm ái. Xung quanh là con sông chảy hiền hòa ôm vào lòng nó những dãy núi mù sương… Có lẽ đây là không gian mà ta gọi là "Cao sơn".
Rồi bỗng nhiên, nhịp đàn nhanh dần, réo rắt những dịp dồn dập nhau. Tưởng chừng như cả trái tim người nghệ sĩ cũng rung lên với nhịp thở gấp gáp. Ta lại như thấy mình giữa một khung cảnh sơn thủy hữu tình, một ngọn núi xa xa, một dòng thác chảy mạnh mẽ. Dòng nước cuộn sóng tung bọt trắng xóa. Con nước chảy từ trên cao hòa mình vào dòng nước lớn. Khung cảnh ấy có thể hình dung là "lưu thủy". Kết lại bản nhạc vẫn là những điệu âm réo rắt rồi nhỏ dần nhỏ dần như dòng chảy đang dần về một nơi xa lắm.
Bản nhạc không chỉ hay ở giai điệu mà còn đẹp như một bức tranh hữu tình. Đôi khi giữa dòng đời hối hả, dành ra một khoảng để lắng nghe "Cao sơn lưu thủy", ta lại thấy tiếng đàn như rót vào tim những thanh âm trong trẻo nhất. Một chút gì đó hoàn toàn thanh khiết không vướng bụi trần. Đó là tinh hoa của trời đất, của tình người tri cố, của những tâm hồn cô độc tìm thấy nhau giữa cuộc đời nhiều oan trái. Để rồi mỗi sáng thức dậy sẽ lại thấy lòng mình thanh thản và nhẹ tênh. Và lại thấy như có tiếng đàn vẫn réo rắt, du dương ngay trong chính tầm hồn mình…
Cao sơn lưu thuỷ - 高山流水
Cầm phổ sớm nhất của nhạc khúc này được ghi trong Thần kỳ bí phổ. Giải thích về nhạc khúc này sách viết: “Cao sơn lưu thuỷ ban đầu chỉ có một đoạn, đến đời Đường nó được phân thành hai khúc nhạc giống nhau, không phân đoạn, đến đời Tống người ta mới phân Cao sơn thành 4 đoạn, lưu thuỷ thành 8 đoạn”.
Cao sơn lưu thuỷ gắn liền với một giai thoại về mối tình tri âm tri kỉ giữa Bá Nha và Chung Tử Kỳ. Ngay từ thời Xuân Thu Chiến Quốc( thế kỉ 4 tr.CN), Liệt Ngự Khấu, người nước Trịnh, trong Thang vấn, sách Liệt Tử chép: “ Bá Nha chơi đàn tuyệt hay, Chung Tử Kỳ nghe đàn càng giỏi. Bá Nha chơi đàn, chí tại núi cao, Chung Tử Kỳ nói: "Hay thay! Vời vợi tựa Thái sơn". Chí để nơi dòng nước chảy, Chung Tử Kỳ nói: "Hay thay! Mênh mang như sông nước". Bất luận là chí tại cao sơn hay chí tại lưu thuỷ, Bá Nha trong mỗi khúc nhạc đều biểu hiện chủ đề hoặc tư tưởng của mình, nhờ đó Chung Tử Kỳ có thể lĩnh hội được ư tứ đó. Nghe nhạc vốn dĩ là cảm cái khúc ư mà người chơi gửi gắm, đạo lư này vốn dĩ đã có từ ngàn xưa vậy.
Một ngày, Bá Nha cùng Chung Tử Kỳ chơi núi Thái sơn, gặp trời mưa to, hai người dừng lại dưới một mỏm núi đá. Bá Nha trong tâm phiền muộn bèn tấu một khúc nhạc. Khúc nhạc ban đầu biểu hiện cảnh mưa rơi xuống một dòng suối trên núi, tiếp đó khúc nhạc mô phỏng âm thanh của nước lên cuồn cuộn cùng đất đá đổ nát. Tấu xong, Chung Tử Kỳ ngay lập tức nói ra được ư tứ của mỗi bài. Bá Nha thấy thế bỏ đàn mà rằng: “ Giỏi thay! Các hạ có thể nghe thấu cái chí thú trong khúc nhạc, ư của các hạ cũng là ư của ta vậy”. Từ đó hai người trở thành một cặp nhân sinh tri kỷ mà đời sau vẫn ca ngợi. Nhưng mà sách Liệt Tử hoàn toàn không nói tới chuyện Bá Nha, sau khi Chung Tử kỳ mất, không bao giờ chơi đàn nữa.
Vào khoảng thế kỷ thứ III tr.CN sách Lã Thị Xuân Thu, thiên Bản vị cũng ghi lại câu chuyện tương tự: “Bá Nha chơi đàn, Chung Tử Kỳ nghe. Đàn chơi mà chí để tại Thái sơn, Chung Tử Kỳ nói: ‘Hay thay tiếng đàn! Cao cao như núi Thái Sơn. Khi chí để nơi dòng nước chảy, Chung Tử Kỳ nói: ‘Hay thay tiếng đàn! Mênh mang như nước chảy. Chung Tử Kỳ chết, Bá Nha quẳng đàn, dứt dây đến tận cuối đời không chơi đàn; từ đó trên nhân thế không có ai có thể gọi là cầm giả nữa”. Lã Thị Xuân Thu nhìn chung giống với sách Liệt Tử, chỉ khác kết cục này: sau Chung Tử Kỳ chết, Bá Nha đến cuối đời không chơi đàn nữa.
Lã Thị Xuân Thu tuy không phải là một cuốn sử có độ xác tín cao, nhưng cùng với sách Liệt Tử trước đó thì nội dung không phải là hoàn toàn vô căn cứ. Vì chuyện Bá Nha sau khi Tử Kỳ mất không chơi đàn nữa nên đã có một câu chuyện đẹp được lưu truyền (tích "tri âm"). Bá Nha lúc sinh thời là một người nổi tiếng. Tuân Huống trong thiên Khuyến học cũng từng đề cập đến Bá Nha: “Cổ nhân chơi đàn thì cá cũng phải ngoi lên nghe, Bá Nha chơi đàn làm sáu ngựa dừng ăn”. Tuy lời lẽ có vẻ khoa trương nhưng tài năng của một đại âm nhạc gia như Bá Nha là không thể nghi ngờ.
Sau sách Liệt Tử và Lã Thị Xuân Thu, đời Tây Hán có Hàn Thi ngoại truyện, Hoài Nam Tử, Thuyết uyển, Đông Hán có Phong tục thông nghĩa, Cầm tháo, Âm phổ giải đề,… đều viện dẫn câu chuyện này. Trong các tác phẩm này đều miêu tả Bá Nha với nội dung hết sức phong phú. Thí dụ như Sái Ung đời Đông Hán trong sách Cầm Tháo viết câu chuyện Bá Nha bái sư học thủ pháp “di tình” của cổ cầm. Đến đời nhà Minh Phùng Mộng Long trong phần khai quyển thiên thứ nhất là “Du Bá Nha suất cầm tạ tri âm”. Trong thiên tiểu thuyết này Bá Nha trở thành nhạc quan Du Bá Nha còn Chung Tử Kỳ trở thành tiều phu ở đất Hán Dương. Từ một điển tích thời cổ hơn trăm chữ đến đây từ nhân vật, địa điểm, đến tình tiết nhất nhất đều đã trở thành một thoại bản tiểu thuyết.
Cao sơn lưu thuỷ luôn gắn liền với thiên cổ giai thoại về Bá Nha và Chung Tử Kỳ. Nó có thể lưu truyền hơn hai nghìn năm cũng là nhờ nó đã dung hội được những phẩm chất tinh túy của văn hoá Trung Hoa. Đoạn giai thoại kể trên có thể nói đã thể hiện được đầy đủ nhất văn hoá tinh thần về “thiên nhân hợp nhất, vật ngã lưỡng vong” của người Trung Quốc cổ đại. Vào đời Minh, Chu Quyền Thành trong sách Thần kỳ bí phổ đối với câu chuyện này đã giải thích rất kỹ: “ Hai khúc cao sơn, lưu thuỷ vốn chỉ là một khúc. Ban đầu chí để nơi núi cao, nói ư người nhân vui ở núi. Sau đó chí để tại dòng nước chảy, nói ư kẻ trí vui ở sông nước. “Nhân giả lạc sơn, trí giả lạc thuỷ”. Cao sơn lưu thuỷ đã ẩn chứa sự mênh mang của trời đất cũng như hồn cốt của sông núi, có thể nói đã đạt được cảnh giới tối cao của việc biểu hiện những chủ đề cổ nhạc Trung Quốc. Nhưng mà khúc nhạc Cao sơn lưu thuỷ của Bá Nha hoàn toàn không được lưu truyền hậu thế, người đời sau không hề được lĩnh hội cách xử lư tuyệt diệu của Bá Nha trong khúc nhạc. Sở dĩ người đời sau không ngớt lưu truyền câu chuyện vì đằng sau Cao sơn lưu thuỷ hoàn toàn là dụng tâm mà hướng đến khúc nhạc.
Giai thoại này được lưu truyền nguyên nhân trực tiếp là vì mối tình tri âm, tương tri, tương giao giữa hai người. Tri âm đă mất, Bá Nha đương nhiên đoạn huyền tuyệt âm. Nhạc Phi trong Tiểu trùng san chỉ một câu “Người tri âm thực ít, đàn không đứt thì biết lấy ai nghe” đă phản ánh chính xác tâm trạng của Bá Nha lúc bấy giờ. Việc quẳng đàn của Bá Nha thể hiện rất rõ chí của ông ta. Thứ nhất là việc làm thể hiện sự tôn trọng đối với người bạn đã mất, thứ nữa là vì tuyệt học của chính mình người đời không ai có khả năng lĩnh hội được nên biểu hiện sự buồn khổ và cô độc. Như thế thì Bá Nha tất là người thị tài ngạo vật, trác tuyệt khác người, khúc nhạc của Bá Nha là cao khúc nhưng cũng vì thế mà cô độc, phàm phu tục tử không thể lĩnh hội được sự linh diệu của nhạc khúc. Bá Nha đã cảm thấy thấu đáo sự cô độc, phát hiện ra rằng tri âm nơi trần thế thực khó tìm mà nhất thời cảm khái.
Cao sơn lưu thuỷ sở dĩ được các chư tử thời Xuân thu chiến Quốc nhiều lần ghi chép là vì bối cảnh của văn hoá sĩ đương thời. Thời Tiên Tần là giai đoạn bách gia tranh minh, nhân tài rất nhiều. Rất nhiều kẻ sĩ thời đó quan niệm rất đơn giản, hoàn toàn không nhất thiết phải trung với nước chư hầu mình sinh sống. Việc lưu động kẻ sĩ giữa các nước nhiều không kể xiết, họ luôn mong ngóng sự tri ngộ của bậc minh chủ. Họ hy vọng có thể gặp được người tri âm, có thể hiểu được mộng vương công chư hầu của mình, từ đó mà phát huy sở học của mình. Đó chính là mơ ước suốt mấy ngàn năm của người đọc sách. Nhưng mà có thế đạt được mục tiêu ấy có mấy người? Hầu hết họ đều một đời uổng phí tài năng không gặp được tri âm mà hoàn toàn vô danh, cũng có người ẩn thân nơi chợ nghèo, người thì đợi già chốn sơn lâm. Từ đó có thể thấy, Cao sơn lưu thuỷ được lưu truyền rất rộng thời Tiên Tần chính là vì điển tích phía sau nó ngụ ư một cuộc gặp gỡ kỳ diệu của đời người, cũng là sự bộc lộ sự oán trách thế nhân bạc bẽo, ngu dốt không biết đến nhân tài. Sở dĩ hàng trăm nghìn năm tới nó vẫn sẽ khơi gợi được những tiếng nói chung của không ít người cũng chính là ở những tình cảm ẩn chứa trong đó.
Ghi chú: Trung Quốc cổ đại Thập đại danh khúc
Cổ nhạc Trung Quốc lưu truyền mười nhạc khúc nổi tiếng được xưng tụng “ Trung Hoa thập đại danh khúc”. Mười nhạc khúc đó bao gồm:
1. Cao sơn lưu thuỷ
2. Quảng lăng tán
3. Bình sa lạc nhạn
4. Mai hoa tam lộng
5. Thập diện mai phục
6. Tịch dương tiêu cổ
7. Ngư tiều vấn đáp
8. Hồ gia thập bát phách
9. Hán cung thu nguyệt
10.Dương xuân bạch tuyết.
Đằng sau mỗi nhạc khúc là những giai thoại thú vị. Nghe nhạc khúc mà không biết nguyên nhân dẫn khởi nhạc khúc tất không thể đi đến tận cùng cái vi diệu của khúc ý. Mỗi nhạc khúc có những câu chuyện lịch sử và văn chương đằng sau chúng. Cần biết để có thêm hứng thú khi thưởng thức nhạc khúc.
Sưu tầm tổng hợp từ vnthuquan.net ; nhatvannhat.com..
GÓT CHÂN ASIN
Asin (Achilles) là con trai vua Hy Lạp Pêlê (Peleus) có với nữ thần Têtít (Thetis). Số phận đã định rằng con trai của Têtít sẽ là một tráng sĩ dũng mãnh nhất trên toàn cõi Hy Lạp vào thời kì sau Hecquyn; nhưng số phận cũng định rằng chàng sẽ chết dưới chân thành Tơroa bởi một mũi tên độc. Thế là Têtít cố hết sức tìm cách tránh cho con trai mình thoát khỏi cái số phận tai ác kia. Khi Asin mới ra đời, nữ thần Têtít đã đem chàng xuống âm phủ nhúng xuống dòng sông Xtích (Styx) để làm cho da thịt chàng trở thành bất khả thương vong. Nhưng Têtít không biết là trên người chàng vẫn còn một chỗ có thể bị tổn thương, đó là gót chân chàng, chỗ mà nữ thần đã cầm giữ chàng khi nhúng chàng xuống nước. Sau này, Asin đã chết ở Tơroa bới một mũi tên độc bắn vào gót chân chàng. Thành ngữ "Gót chân Asin" ra đời dùng để chỉ điểm yếu của một ai đó...
QUẢ TÁO BẤT HÒA VÀ CUỘC CHIẾN TRANH THÀNH TƠROA (TROY)
Thiên đình Ôlanhpơ (Olympus) nhộn nhịp khác thường. Tất cả các thần kéo nhau về, trên những cỗ xe ngựa bay hoặc lướt trên làn gió nhẹ để dự lễ cưới nữ thần Têtít (Thetis) với người anh hùng Hy Lạp Pêlê (Peleus). Tất cả các vị thần đã ngồi vào bàn tiệc. Rượu nho bốc hương thơm ngọt dịu. Thần Dớt (Zues) ngồi bên vợ, nữ thần Hêra (Hera) - nữ thần của hạnh phúc lứa đôi - người chủ toạ cuộc vui có một không hai này. Chợt, một quả táo vàng lăn giữa bàn tiệc. Trên quả táo khắc dòng chữ: "Tặng người đẹp nhất". Các thần xôn xao, tranh nhau cầm quả táo; rồi Cung điện im bặt. Mọi người thầm nghĩ: Ai sẽ được quả táo này? Ai là người đẹp nhất? Và ai đã lăn quả táo này giữa bàn tiệc? Người lăn quả táo vàng chính là nữ thần Êrit (Eris) - Nữ thần Bất hoà. Trong khi tất cả các vị thần, dù lớn hay nhỏ, dù ở gần hay ở xa tít mù khơi, dưới địa ngục hay chân trời đáy biển, ai ai cũng nhận được lời mời đến dự tiệc cưới Têtít - Pêlê, thì cả Têtít và Pêlê đều quên không mời nữ thần bất hoà Êrit. Nữ thần cay đắng, nữ thần uất ức, nữ thần quyết báo thù, quyết gieo sự bất hoà, sự rối ren trong thế giới Ôlanhpơ. Nữ thần không được mời nhưng vẫn cứ đến đám tiệc. Nàng mang theo quả táo vàng giấu trong áo. Chờ lúc mọi người hoan hỉ cười nói, mải uống rượu nho, không ai chú ý đến nàng, nàng đã lăn quả táo vàng đến bàn tiệc rồi nhanh như cắt, nàng bỏ ra về. Bàn tiệc ồn ào lên, mọi người tranh nhau xem quả táo vàng; song khi thấy dòng chữ trên quả táo: "Tặng người đẹp nhất", thì mọi người lặng đi. Các thần lặng lẽ chuyển tay nhau, lặng lẽ nhìn nhau, cuối cùng không ai dám cầm. Ai là người đẹp nhất giữa bao mỹ nữ tuyệt vời? Tuy nhiều nữ thần hy vọng "người đẹp nhất" sẽ là mình, nhưng ai công nhận? Các nữ thần e ngại. Duy còn ba nữ thần nhất định muốn chiếm quả táo vàng, muốn làm hoàng hậu của rừng hoa người đẹp: nàng Hêra - vợ Dớt; nàng Atêna (Athena) - nữ thần Trí tuệ và nàng Vệ Nữ Aphrôđitê (Aphrodite)- nữ thần Sắc đẹp và Tình yêu. Thấy không khí nặng nề, nhiều thần định bỏ về thì một vị thần lớn tiếng nói: - Tôi xin vị thần tối cao, tối sáng suốt, Vương thần Dớt đứng ra phân xử "Ai là người đẹp nhất". Dớt nghe vậy, hơi hoảng hốt. Mấy ý nghĩ thoáng qua rất nhanh trong đầu Vương thần: "Sao? Nếu ta bảo Hêra - vợ ta đẹp nhất thì biết bao dị nghị và lôi thôi sau này. Nếu ta bảo Atêna hoặc Vệ Nữ đẹp nhất, ta sẽ chẳng thoát khỏi những cơn ghen lồng lộn của Hêra". Thần Dớt phán quyết: - Việc phân xử "Ai là người đẹp nhất", ta giao cho Parit (Paris) - chàng trai đẹp nhất Châu Á. Thần Hecmet, Người truyền lệnh của Thiên đình dẫn ba nữ thần xinh đẹp đến chân núi Iđa để gặp chàng Parit. Chàng sẽ phán quyết "Ai là người đẹp nhất". Khi Hecmet cùng ba nữ thần Hêra, Atêna và Vệ Nữ đến núi thì Parit đang dạo chơi nơi sơn cước. Thần Hecmet kể đầu đuôi câu chuyện và trao cho Parit quả táo vàng "Tặng người đẹp nhất". Parit ngây ngất trước ba mỹ nữ đẹp tuyệt trần. Chàng cầm quả táo vàng. Nữ thần Hêra, vợ của Dớt nói: "Hỡi chàng Parit, nếu chàng phân xử cho ta được quả táo vàng, ta sẽ cho chàng làm Vua khắp vùng Châu Á mênh mông và giàu có". Nữ thần Trí tuệ Atêna bảo: "Hãy trao cho ta quả táo vàng, hỡi chàng Parit. Để đáp ơn chàng, ta sẽ ban cho chàng trí tuệ tuyệt vời, chàng sẽ chỉ biết chiến thắng trong mọi cuộc giao tranh, chàng sẽ có vinh quang". Cuối cùng, thần Vệ Nữ đắm đuối nhìn chàng, tha thiết nói: "Hỡi chàng Parit đẹp nhất Châu Á, chàng hãy trao cho ta quả táo vàng, ta sẽ không quên ơn chàng. Ta sẽ giúp chàng lấy được nàng Hêlen xinh đẹp, hoa hậu của cả Châu Âu. Bên chàng sẽ có một người đẹp tuyệt trần". Parit không do dự. Chàng tiến đến gần Vệ Nữ, nữ thần của Sắc đẹp và Tình yêu, trao cho nàng quả táo vàng "Tặng người đẹp nhất". Chàng đã lựa chọn. Chàng không chọn Quyền lực, chàng cũng không chọn Vinh quang. Chàng chọn cái Ðẹp và Tình yêu - cái nhân đạo nhất, cái Người nhất. Vả lại, ai có khuôn mặt xinh đẹp, đôi mắt thăm thẳm, đôi môi hồng tươi, thân hình căng sức sống như thần Vệ Nữ. Nàng xứng đáng là "Người đẹp nhất". Nữ thần Bất Hoà Êrit đã thành công, thành công to lớn. Vì Parit trao quả táo vàng cho thần Vệ Nữ, nên sau này, giữa Tơroa, quê hương của Parit và Hy lạp, quê hương của Hêlen, xảy ra cuộc chiến tranh kéo dài mười năm trời, gây biết bao chết chóc, bao nhiêu đau khổ cho loài người, bao nhiêu rắc rối cho Thiên đình. Ðể trả ơn Parit, thần Vệ Nữ một hôm đến thành Tơroa bảo chàng đóng một con thuyền để sang Xpact, xứ sở nàng Hêlen diễm lệ có một không hai đón nàng về. Nàng đang sống với chồng là Mênêlat phải đi Cret vắng nhà một thời gian. Parit, chàng trai đẹp nhất Châu Á chinh phục được trái tim Hêlen. Hêlen theo chàng về Tơroa với tất cả vàng bạc, châu báu của chồng. Mênêlat được tin, vội vàng trở về. Chàng mời tất cả Vua các xứ sở ở Hy Lạp, các tướng tài giỏi nhất của Hy lạp hợp thành một đoàn quân đông nghìn nghịt và vô cùng dũng mãnh để sang Tơroa đòi lại nàng Hêlen xinh đẹp. Cuộc chiến tranh mười năm bùng nổ giữa Hy lạp và Tơroa, giết hại hàng ngàn vạn sinh linh. Bất hoà, xung đột, chém giết dã man, đó là thế giới loài người sau vụ quả táo vàng. Ở thế giới thần linh Ôlanhpơ, bất hoà cũng hoành hành. Mâu thuẫn nảy sinh giữa thần Vệ Nữ bênh vực giúp đỡ Tơroa và Hêra, Atêna ghét bỏ Tơroa, bênh vực và giúp đỡ Hy Lạp. Do truyền thuyết trên, thành ngữ "Qủa táo bất hoà" ra đời chỉ nguyên nhân của những xung đột ý kiến, của những tranh chấp gây tác hại lớn.
(Theo Thần thoại Hy Lạp)
SỐNG TRỌN VẸN TỪNG NGÀY
Trong một buổi diễn thuyết vào đầu năm học, Brian Dison - Tổng giám đốc của Tập đoàn Coca Cola – đã nói chuyện với sinh viên về mối tương quan giữa nghề nghiệp với những trách nhiệm khác của con người: “Bạn hãy tưởng tượng cuộc đời như một trò chơi tung hứng. Trong tay bạn có năm quả bóng mang tên là: công việc, gia đình, sức khoẻ, bạn bè, và tinh thần. Bạn sẽ hiểu ngay rằng công việc là quả bóng cao su. Vì khi bạn làm rơi nó xuống đất, nó sẽ nảy lên lại. Nhưng bốn quả bóng còn lại – gia đình, sức khoẻ, bạn bè và tinh thần - đều là những quả bóng bằng thủy tinh. Nếu bạn lỡ tay đánh rơi một quả, nó sẽ bị trầy sướt, có tì vết, bị nứt, bị hư hỏng hoặc thậm chí bị vỡ nát mà không thể sửa chữa được. Chúng không bao giờ trở lại như cũ. Bạn phải hiểu điều đó và cố gắng phấn đấu giữ cho được sự quân bình trong cuộc sống của bạn. Bạn làm thế nào đây? Bạn đừng hạ thấp giá trị của mình bằng cách so sánh mình với những người khác. Đó là vì mỗi chúng ta là những con người hoàn toàn khác nhau, chúng ta là những cá nhân đặc biệt. Bạn chớ đặt mục tiêu của bạn vào những gì mà người khác cho là quan trọng. Chỉ có bạn mới biết rõ điều gì là tốt nhất cho chính mình. Bạn chớ nên thờ ơ với những gì gần gũi với trái tim của bạn. Bạn hãy nắm chắc lấy như thể chúng là những phần trong cuộc sống của bạn. Bởi vì nếu không có chúng, cuộc sống của bạn sẽ mất đi ý nghĩa. Bạn chớ để cuộc sống trôi qua kẽ tay vì bạn cứ đắm mình trong quá khứ hoặc ảo tưởng về tương lai. Chỉ bằng cách sống cuộc đời mình trong từng khoảng khắc của nó, bạn sẽ sống trọn vẹn từng ngày của đời mình. Bạn chớ bỏ cuộc khi bạn vẫn còn điều gì đó cho đi. Không có gì là hoàn toàn bế tắc mà nó chỉ thật sự trở nên bế tắc khi bạn thôi không cố gắng nữa. Bạn chớ ngại nhận rằng mình vẫn chưa hoàn thiện. Đó chính là sợi chỉ mỏng manh ràng buộc mỗi người chúng ta lại với nhau. Bạn chớ ngại mạo hiểm. Nhớ mạo hiểm với những vận hội của đời mình mà bạn học biết cách sống dũng cảm. Bạn chớ khóa kín lòng mình với tình yêu bằng cách nói bạn không có thời gian yêu ai. Cách nhanh nhất để nhận được tình yêu là hãy cho đi. Cách chóng nhất để đánh mất tình yêu là níu giữ thật chặt. Còn phương thế tốt nhất để giữ được tình yêu là bạn hãy chắp cho nó đôi cánh. Bạn chớ băng qua cuộc đời nhanh cho đến nỗi không những bạn quên mất nơi mình sống mà còn có khi quên cả bạn định đi về đâu. Bạn chớ quên nhu cầu tình cảm lớn nhất của con người là cảm thấy mình được đánh giá đúng. Bạn chớ ngại học. Kiến thức không có trọng lượng. Nó là kho báu mà bạn có thể luôn mang theo bên mình một cách dễ dàng. Bạn chớ phí phạm thời giờ hoặc lời nói một cách vô trách nhiệm. Cả hai điều đó một khi mất đi sẽ không khi nào bắt lại được. Cuộc đời không phải là một đường chạy mà nó là một lộ trình bạn hãy thưởng thức từng chặng đường mình đi qua. Quá khứ đã là lịch sử. Tương lai là một màu nhiệm. Còn hiện tại là một món quà của cuộc sống, chính vì thế mà chúng ta gọi đó là tặng phẩm (*)”. (*) Present – cách chơi chữ trong tiếng Anh – có nghĩa là hiện tại, đồng âm với tặng phẩm.