TRƯỜNG THCS ĐẠI ÁNG 60 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
Trường THCS Đại Áng ngày nay tiền thân là trường cấp 2 Thanh Hưng được thành lập năm 1962 với một lớp 5, là một trong số rất ít trường cấp 2 của huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Năm đầu mới thành lập, cơ sở vật chất của trường vô cùng khó khăn và nghèo nàn. Năm học 1963 – 1964, xã đã xây trường cấp 2 gồm 5 gian nhà ngói, 4 phòng học cho 4 lớp tại khu vực trường tiểu học Đại Áng hiện nay, chấm dứt tình trạng học phân tán ở các thôn. Năm 1965, đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc, trong điều kiện khắc nghiệt ấy, sự nghiệp giáo dục của xã vẫn phát triển nhờ sự chỉ đạo của huyện, xã, sự đóng góp của phụ huynh học sinh.
Năm học 1969 – 1970, trường cấp 2 Đại Áng có 6 lớp (mỗi khối có 2 lớp) với hơn 200 học sinh. Mặc dù bàn ghế, đồ dùng giảng dạy học tập đều thiếu nhưng thầy và trò nhà trường vẫn cố gắng vượt khó, đảm bảo chương trình học tập, từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập.
Theo tiếng gọi của chiến trường, các thầy giáo Nguyễn Kim Lựu, Nguyễn Văn Chập, Nguyễn Công Khánh, Nguyễn Văn Long, Nguyễn Văn Đăng, Nguyễn Văn Được, Nguyễn Văn Xới, Nguyễn Văn Kinh… đã rời bục giảng lên đường nhập ngũ. Thầy Nguyễn Kim Lựu đã anh dũng hy sinh ngoài mặt trận. Các em học sinh đã vượt khó khăn, đội mũ rơm đi học trường làng, giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ và gia đình bộ đội neo đơn, phấn đấu đạt danh hiệu cháu ngoan Bác Hồ, học giỏi, chăm ngoan.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy khó khăn, gian khổ đã toàn thắng. Hòa bình được lập lại, giang sơn thu về một mối. Đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh trường cấp 2 Đại Áng phấn khởi, duy trì tốt phong trào thi đua hai tốt theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”. Năm 1979, theo quyết định mở rộng của Thủ đô, xã Đại Áng được cắt chuyển từ huyện Thường Tín (tỉnh Hà Sơn Bình) về huyện Thanh Trì (Thành phố Hà Nội), tạo thêm sự phấn khởi và tin tưởng trong cán bộ và nhân dân, cũng như tạo thêm một số điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế cũng như sự nghiệp giáo dục của xã. Năm học 1991 – 1992, hai khối cấp 1 và cấp 2 được tách riêng (nay là trường Tiểu học và THCS), trường THCS Đại Áng có 8 lớp với 323 học sinh, có 29 thầy cô giáo (trong đó có 18 thầy cô là người địa phương).
Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, số học sinh ra lớp ngày càng đông. Năm 1997, được sự quan tâm của huyện, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, trường có 16 phòng học, khu nhà hiệu bộ, phòng thí nghiệm, thư viện… Đội ngũ thầy cô giáo nhiệt tình công tác, đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn. Nhiều thầy cô giáo phần đấu trở thành Đảng viên, đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, đạt giải cao trong các Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố và cấp huyện... Cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh nhà trường tham gia tích cực các hoạt động tập thể, văn nghệ, thể dục thể thao của ngành, của địa phương…. Nhiều năm nhà trường đã xóa bỏ tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, duy trì kết quả đại trà, nâng cao chất lượng mũi nhọn, không có học sinh vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội.
Năm 2010, xã Đại Áng là một trong ba xã được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới của thành phố Hà Nội. Được sự quan tâm của thành phố, huyện và xã, trường THCS Đại Áng đã được khởi công xây dựng từ tháng 10 năm 2010 trên khu đất rộng 22,600m2 đạt chuẩn quốc gia cấp độ I. Năm 2019, trường THCS Đại Áng tiếp tục được UBND huyện Thanh Trì quan tâm và cho xây dựng bổ sung giai đoạn 2 với 9 phòng học.
Trong 60 năm qua, từ mái trường này, biết bao học sinh tiếp nối truyền thống hiếu học của quê hương trở thành tiến sĩ, kỹ sư, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà chính trị… tiêu biểu có đồng chí Nguyễn Công Soái – nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, đồng chí Hoàng Mạnh Hiển – nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, đồng chí Nguyễn Ngọc Việt – Chánh văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội…
Phát huy truyền thống 60 năm tự hào đó, trường THCS Đại Áng sẽ tiếp tục xây dựng tập thể đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Xây dựng nhà trường văn hóa, nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch, mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo, đưa nhà trường vững bước đi lên, xứng danh đất khoa bảng ngàn đời của Thủ đô ngàn năm văn hiến.