Tên tuổi của ông gắn liền với cuộc chiến đấu 60 ngày đêm mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp và trở về tiếp quản Thủ đô như lời hẹn ước sau khi kháng chiến thắng lợi.
Hà Nội 60 ngày đêm quyết tử
Từ đầu tháng 11-1946, thực dân Pháp liên tục có hành động gây hấn. Nhiều gia đình ở Hà Nội khẩn trương thu xếp để sơ tán. Các nhà máy, xí nghiệp chuyển máy móc, nguyên liệu ra ngoài thành phố, các cơ quan Chính phủ chuyển dần lên căn cứ địa Việt Bắc…
Nhận thấy tình hình không thể ngăn chặn một cuộc chiến chắc chắn sẽ xảy ra, ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”. Đồng chí Vương Thừa Vũ được giao nhiệm vụ Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội, chỉ huy việc phòng thủ và tấn công quân Pháp tại Hà Nội nhằm kéo dài thời gian để các cơ quan của Đảng, Chính phủ rút lên An toàn khu, bảo toàn lực lượng.
Với cách đánh “thiên biến vạn hóa” của chiến tranh nhân dân, quân dân Thủ đô dưới sự chỉ huy của đồng chí Vương Thừa Vũ đã lập nên kỳ tích: Một lực lượng vũ trang non trẻ đã chiến đấu thắng lợi, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giam chân đội quân chính quy của Pháp với khoảng 6.500 binh sĩ trong thành phố suốt 60 ngày đêm (gấp đôi thời gian dự định), tạo điều kiện cho ta có thời gian chuẩn bị bước vào cuộc chiến đấu mới.
Trò chuyện với chúng tôi, con trai Trung tướng Vương Thừa Vũ - ông Vương Minh Tường (hiện sống ở quận Tây Hồ, Hà Nội) nhớ lại câu chuyện về cơ duyên để cha mình có được kế hoạch tác chiến. Tối hôm ấy, đồng chí Vương Thừa Vũ đích thân đi kiểm tra công tác chuẩn bị chiến đấu ở khu phố cổ - công việc ông thường làm trong những ngày “nước sôi lửa bỏng” ở Thủ đô. Nghe một đội trưởng tự vệ trình bày phương án tác chiến, ông chợt nghĩ là cần xây dựng nhiều lớp chiến lũy, kết hợp với đào chiến hào và bố trí lực lượng chặn đánh thì mới có thể chống tăng, cơ giới và bộ binh địch hiệu quả. Vì đường phố đã có những chiến lũy chắn ngang nên cần đục tường nhà nọ thông sang nhà kia để quân ta có thể cơ động dễ dàng. Từ suy nghĩ này, đồng chí Vương Thừa Vũ cùng với Bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội xây dựng nhiều tầng lớp chiến lũy, có thể tổ chức cố thủ dài ngày, hạn chế địch từ trung tâm đánh ra ngoại ô. Sau khi nghe báo cáo, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã tán thành và yêu cầu triển khai ngay.
Và thực tế là từ hiệu quả của chiến thuật “trùng độc chiến” mà quân ta đã giam chân địch tại Hà Nội lâu hơn dự kiến. Sau đó, đồng chí Vương Thừa Vũ lại cùng các cộng sự chỉ huy thành công cuộc rút lui thần kỳ của Trung đoàn Thủ đô, thực hiện xuất sắc chủ trương diệt địch đi đôi với giữ gìn lực lượng ta để kháng chiến lâu dài.
Khúc ca khải hoàn
Sau Mặt trận Hà Nội, đồng chí Vương Thừa Vũ được cử vào Liên khu 4 với cương vị Khu phó. Năm 1949, Đại đoàn 308 - Đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập, đồng chí được giao nhiệm vụ Đại đoàn trưởng kiêm Chính ủy. Đại đoàn 308 dưới quyền chỉ huy của tướng Vương Thừa Vũ đã lập nhiều chiến công và được trao nhiệm vụ vinh quang và rất đỗi tự hào: Trở về tiếp quản Thủ đô vào ngày 10-10-1954.
Ngày Thủ đô giải phóng đối với Đại đoàn 308 và cá nhân đồng chí Vương Thừa Vũ còn mang nhiều ý nghĩa trọng đại khác. Trong đội hình của Đại đoàn 308 có Trung đoàn Thủ đô, ra đời trong cuộc chiến đấu “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” tại Hà Nội mùa đông năm 1946. Đồng chí Vương Thừa Vũ là một người con của Hà Nội, là chỉ huy Mặt trận Hà Nội những ngày đầu kháng chiến. Khi thực hiện cuộc rút quân thần kỳ bảo toàn lực lượng để kháng chiến lâu dài, các chiến sĩ và Chỉ huy trưởng Vương Thừa Vũ đã có lời hẹn ngày trở về. Trải qua 9 năm kháng chiến trường kỳ, vượt qua bao gian khổ, hy sinh, cuối cùng ngày đó đã tới. Đây là một cuộc trở về “độc nhất vô nhị”, ta không mất một viên đạn mà giải phóng được Thủ đô.
Sáng 10-10-1954, hàng chục vạn người Hà Nội đổ ra đường, hân hoan đón chào các đơn vị chủ lực của ta tiến vào thành phố. Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội Vương Thừa Vũ đứng trên chiếc xe com-măng-ca mui trần, giơ tay chào đồng bào.
Trong hồi ký "Trưởng thành trong chiến đấu" xuất bản năm 1985, Trung tướng Vương Thừa Vũ kể lại: “Hôm nay, Hà Nội là rừng cờ hoa. Càng tiến sâu vào trong lòng Hà Nội, càng khó nén nổi xúc động, mắt nhòa lệ vì niềm vui gặp mặt, niềm vui về lại Thủ đô. Nhất là các cán bộ, chiến sĩ năm xưa đã chiến đấu trên mảnh đất này khi được lệnh ra đi đã hứa với Hà Nội sẽ trở về: “Ra đi hẹn một ngày về, Ba Đình còn đó, người thề còn đây”. Lời hứa đó hôm nay đã thành sự thật!”.
Ngay buổi chiều hôm đó, tại sân Cột cờ Hà Nội, đồng chí Vương Thừa Vũ và bác sĩ Trần Duy Hưng chủ trì lễ chào cờ. “Lúc này, gia đình tôi cũng đã về Thủ đô. Dù đã biền biệt nhiều năm xa cách nhưng ông chưa vội về gặp vợ con mà tổ chức đến thăm các gia đình thương binh, liệt sĩ và có hoàn cảnh khó khăn của Đại đoàn 308. Phải đến cả tháng sau cha mới về khi tôi đã hoàn tất các thủ tục để sang Liên Xô học tập vào ngày hôm sau” - ông Vương Minh Tường kể.
Khi chia tay ông Vương Minh Tường, chúng tôi cứ mường tượng hình ảnh vị tướng trận mạc tất tả đạp xe từ cơ quan về nhà trước giờ tiễn con lên đường chỉ để căn dặn ngắn gọn: “Con đi học gì thì học, làm gì thì làm nhưng phải tiếp thu được kiến thức để về xây dựng đất nước”.